PHẦN II: BỨC TRANH MA QUÁI
Thằng bé thỉnh thoảng lại chạy sang chơi. Dũng đã gầm gừ đuổi nó, đôi khi là ngon ngọt dỗ “không được phá cô chú nghe con”,“con về cho cô chú làm việc nghe”, nhưng thằng bé vẫn lì lợm ở lại, lũ trẻ trong khu nhà đã cùng gia đình đi hết nên thành ra thằng bé không có ai chơi. Nó cứ ngồi chán rồi lại đi lại trong phòng, Nhi cho nó vài tờ giấy và bút chì để vẽ nhưng thằng bé không buồn động đến.
Điền đã viết xong một chương trong bản báo cáo. Cậu thấy bé Nam đang ngồi thu lu một góc, ngơ ngẩn nhìn lên trần nhà. Tò mò, không biết thằng bé nhìn thấy gì trên đấy, cậu cũng ngước nhìn lên. Trần nhà với những vết nứt và những mảng ẩm thấp thấm nước từ trận mưa đêm hôm trước. Không có lấy một chú kiến hay thạch sùng nào bò ngang, không biết thằng bé đang nhìn gì.
_ Chú xong việc rồi, chúng ta đi chơi nha! _ Điền đến bên thằng bé nói.
Thằng bé quắc mắt nhìn Điền _ cái nhìn khó chịu, căm ghét vì bị quấy rối. Điền giật mình, nhưng chỉ một giây sau, ánh mắt thằng bé đã lại trong trẻo và sáng lên hào hứng, cứ như thể vừa rồi Điền bị hoa mắt vậy.
_ Chúng ta đi chơi thôi! _ Thằng bé nói với Điền nhưng cậu cảm giác rất rõ rằng thằng bé không nói với mình mà nói với một ai đó vô hình ở phía sau.
Nam chạy về phòng lấy ra một trái banh nhỏ, vỏ của trái banh đã sờn rách và cũ kỹ nhưng vẫn còn chơi được. Hai chú cháu chơi đá banh ngoài hành lang, vì các phòng đã chuyển đi hết nên hai người thoải mái chơi mà chẳng sợ làm phiền đến ai.
Thằng bé chuyền banh cho Điền, Điền đá lại, lực hơi lớn nên Nam không đón được, trái banh lăn dài trên hành lang.
_ Chuyền cho em! _ Nam nói.
Tức thì trái banh dừng hẳn lại rồi như có ai đá nó tự lăn trở về. Nam cười khanh khách, đón lấy banh, giữ nó trong chân mình rồi cậu bé đá nhưng không chuyền cho Điền mà chuyển sang bên.
Trái banh dừng lại trước cửa của một căn phòng trống, từ chỗ trái banh đến chỗ Nam, Điền tạo thành một hình tam giác như thể đang có ba người chơi. Trái banh đột nhiên chuyển động, lao đến chỗ Điền.
Điền quay đầu bỏ chạy.
Tiếng nước rơi tí tách, tí tách từng giọt khiến Nhi giật mình tỉnh dậy, cô ngủ gục trên bàn từ lúc nào không hay. Trời xâm xẩm tối, Điền và Dũng đã ra ngoài, căn phòng vắng lặng, ẩm thấp và ngột ngạt trong ánh sáng lờ mờ.
Nhi rờ bật công tắc nhưng bóng đèn không sáng, Nhi bật đi bật lại. Mất điện!
Tiếng nước nhỏ giọt tí tách khiến Nhi khó chịu, tiếng động không phát ra từ phòng tắm mà ở ngay đây, trước mặt Nhi. Trên trần nhà, từ khe nứt, nước đang rỉ từng giọt, từng giọt chảy xuống, ướt một vũng dưới nền nhà.
Nhi vào phòng tắm, đem một cái thau ra hứng. Đột nhiên nước ngừng chảy, không có một giọt nào rơi xuống.
Nhi khó hiểu, từ từ ngẩng đầu nhìn lên. Trên trần nhà, một cô gái đang treo lủng lẳng, vòng thòng lọng siết quanh cổ. Tóc tai cô xõa xượi, mắt trợn trừng, trắng dã, rồi đột nhiên tròng mắt cô di chuyển, đảo một vòng rồi hướng xuống phía dưới nhìn Nhi.
Nhi sợ hãi lùi người ra sau. Ngay chỗ kẽ nứt trên trần nhà, một sợi dây thừng thõng xuống, vòng thòng lọng siết quanh cổ cô gái đung đưa tấm thân lủng lẳng, chao nghiêng; nước thấm ướt sợi dây thừng, chảy xuống người cô, tích tụ lại ở các ngón chân bầm tím, nhỏ xuống lòng thau từng giọt nước đỏ lừ.
Căn phòng vốn ẩm thấp nồng đượm trong mùi máu tanh. Bỗng nhiên cô gái biến mất, Nhi chỉ nhìn thấy vòng thòng lọng đung đưa, cảm giác phía sau lưng mình ớn lạnh, ai đó đang ở phía sau, đang từ từ tiến lại gần. Nhi không dám quay đầu lại, cô thấy cổ và vai mình ngứa ngáy, thứ gì đó bù xù, khô ráp chọc vào người Nhi. Một luồng hơi lạnh thổi vào mặt Nhi, tiếng thì thầm áp sát bên tai nhưng Nhi lại nghe không rõ. Nhi nuốt khan, dù không quay đầu lại nhưng cô biết người phía sau đang nhìn mình _ cái nhìn thù địch và đầy ác ý.
Tiếng cửa phòng mở khiến Nhi giật nảy mình, vòng thòng lọng biến mất, hơi lạnh phía sau biến mất. Điền và Dũng bước vào phòng, tay xách hộp đồ ăn và nửa người dưới ướt sũng nước.
_ Có chuyện gì thế?
Dũng hỏi, cậu vừa về phòng đã thấy Nhi ngồi oạp trên nền nhà ngơ ngác, gương mặt thất thần và mắt cứ nhìn trên trần nhà đăm đăm như thể đang tìm kiếm thứ gì.
_ Không có gì đâu! _ Nhi đứng lên, nhìn thấy người Điền và Dũng ướt sũng, Nhi ngạc nhiên hỏi.
_ Các cậu làm sao thế?
_ Vỡ đường ống nước, vất vả lắm bọn tớ mới lên đến đây. _ Điền trả lời.
_ Thảo nào mà mất điện!
Dũng bực bội đi vào phòng tắm, may mà lúc nãy xuống dưới cậu đã dự phòng mua thêm nến. Tòa nhà đã xuống cấp lắm rồi, dân cư ở đây đã đi gần hết, dù cho có gọi người đến sửa thì nhanh nhất cũng phải đến sáng mai.
Điền thắp nến, căn phòng sáng lên trong ánh nến vàng mờ lung linh. Nhi bày thức ăn ra, không có vẻ gì là lãng mạn, trái lại, căn phòng còn mang vẻ ma quái và u ám hơn.
Cả ba đứa ngồi xuống, im lặng ăn. Ánh nến hắt bóng của cả ba đổ dài trên tường, hắt luôn cả bóng của cô gái treo mình lủng lẳng.
Nhi nhìn cái bóng đổ dài của mình in trên tường rồi nhìn ra hướng ban công. Vào cái đêm Dũng nhìn thấy một hình người treo cổ ở phòng đối diện phía bên kia, nếu đứng ở đây, điều chỉnh vị trí nến, cái bóng của Nhi cũng di chuyển theo, đổ dài in trên ban công căn phòng đối diện. Nhi rùng mình, nếu như những gì Dũng nhìn thấy chỉ là một cái bóng thì nơi cô gái treo cổ tự vẫn không phải ở căn phòng đó mà là ở chính căn phòng này, ngay đây.
_ Cậu cầm nến đi đâu thế? _ Điền hỏi.
Nhi giật mình, suýt nữa thì đánh rơi cây nến. Ở căn phòng đối diện phía bên kia in bóng Nhi, bóng Điền đổ dài và cả bóng của một hình nhân treo cổ.
_ Đi vào thôi! _ Nhi run rẩy kéo Điền vào trong, cũng may là Điền bị cận nên cậu không nhìn thấy.
Đúng lúc ấy, thằng bé đẩy cửa đi vào phòng. Mặt nó trông chán nản và hậm hực, hai mắt hơi sưng như vừa bị ăn đòn.
_ Mất điện rồi, sao bà lại cho con sang đây. Ôi chà! Xem kìa, mới bị bà đánh đòn nên trốn đi hả? _ Dũng nhìn thằng bé cười nói.
_ Bà sẽ không đánh con. _ Thằng bé bướng bỉnh đáp.
_ Thế ai mà dám đánh Nam hả?
Thằng bé không đáp, trông nó vừa có vẻ hậm hực, tức tối lẫn đượm buồn. Thằng bé không chỉ sống với bà mà còn với cả cậu mợ nó, Dũng đã gặp mợ nó vài lần ở cầu thang và lúc mua đồ ăn dưới sảnh, đó là một người đàn bà mập mạp, môi mỏng như một sợi chỉ vắt ngang, giọng nói the thé và chua lòm, chưa cần tiếp xúc nhiều cũng biết đó là một người đàn bà đanh đá. Xem ra thằng bé ở với mợ cũng không dễ dàng gì.
Điền thấy thằng bé ở trong phòng thì hơi lui người ra sau. Không hiểu sao nhìn thằng bé cậu thấy sợ, cứ như thể nó không phải là một thằng nhóc con tám tuổi mà là một thứ gì đấy đáng sợ và ghê gớm hơn.
_ Các cô chú cũng chuẩn bị chuyển đi à? _ Thằng bé ngồi trên ghế, vắt chân lên hỏi.
_ Hiện tại thì chưa nhưng cô chú không ở đây lâu đâu. _ Nhi trả lời thằng bé.
_ Không ai muốn ở lại đây hết. Chán chết! Mọi người đều là một đám người lớn nhát gan. Nhưng con không thế, con thích sống ở đây. Con cũng thích chị, chị hay đến chơi với con.
_ Chị nào? _ Dũng túm lấy thằng bé, nghiêm mặt hỏi.
_ Thế là chú vẫn chưa nhìn thấy chị ư? _ Thằng bé ngạc nhiên, tròn mắt hỏi, rồi nó lại cười hì hì, vẻ bí ẩn. _ Nhưng các cô chú sẽ không nhìn thấy được chị đâu.
_ Con muốn nói là có một chị treo cổ ở đây à?
Thằng bé quắc mắt, nó hét lên.
_ Không! Ai cũng nói chị như thế. Chị hiền và đẹp lắm.
_ Ừ, được rồi _ Dũng xuôi theo thằng bé, dụ dỗ. _ Vậy con kể cho chú nghe, chị ấy thế nào?
Thằng bé ngần ngừ, chốc chốc, nó lại liếc lên trần nhà, Dũng vẫn dỗ ngọt, vẻ mặt nó lưỡng lự rồi như sợ hãi, nó nói.
_ Chị ấy không muốn ai đó nói về mình. Nếu con nói thì chị sẽ không chơi với con nữa.
Thằng bé đánh trống lảng, nó nhảy xuống ghế.
_ Con phải về rồi đây. Bà sẽ đi tìm con mất.
_ Khoan đã, đợi chút nào!
Nhưng thằng bé đã lỉnh đi, trước khi đi nó còn ngoái đầu lại nói.
_ Chị ấy không thích ai ở trong căn phòng này đâu!
Thằng bé nói cứ như thể một lời dặn dò. Điền băn khoăn hỏi Dũng.
_ Cậu tin lời thằng bé thật à?
_ Không biết! Có thể là thật, nhưng cũng có thể thằng bé chỉ bịa chuyện để gây sự chú ý thôi.
Nến đã cháy gần hết, chỉ còn lại một mẩu ngắn chưa dài bằng một đốt ngón tay. Căn phòng mù mờ trong ánh nến vàng lay lắt. Nhi không ngủ được, cô biết ở bên cạnh, Điền và Dũng cũng thế. Nhi áp mặt xuống gối, không muốn nhìn lên trần nhà, cứ như thể trên đó, cô gái có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, đưa đôi mắt trắng dã nhìn chòng chọc vào Nhi. Lúc này, Nhi không cảm nhận được nhưng cô ta luôn ở đây, trong căn phòng này, với sợi dây thừng lơ lửng, không biết cô ấy đã ở đây bao lâu rồi.
Nến tắt, căn phòng chìm trong bóng tối, đốm đỏ hồng trên đầu bấc vẫn còn le lói sáng được một lát rồi cũng tắt lịm đi. Bóng đêm đen ngòm, tĩnh mịch.
Tiếng rầm rập, ầm ầm làm Dũng tỉnh giấc, nhìn sang bên cạnh Điền và Nhi vẫn đang ngủ say. Cậu đứng lên, lê bước mở cửa, khó chịu nhìn ra. Ở ngay đầu dãy, phòng bà Hoa ồn ào người ra vào, đồ đạc đóng thùng ngổn ngang trước cửa, hai người đàn ông cao lớn đang oằn mình khiêng chiếc tủ gỗ từ trong phòng xuống dưới cầu thang.
Dũng vội vào phòng tắm rửa mặt qua loa rồi khoác áo chạy ra. Bà Hoa đang gói ghém đống chén đĩa xếp cẩn thận vào thùng, anh con trai và con dâu bà đứng chỉ đạo trông coi nhân viên chuyển nhà khiêng đồ xuống dưới. Thằng bé Nam thì đứng thẫn thờ ngay góc cửa ban công, mắt lãnh đạm, lạnh lùng nhìn đám người lớn đang tất bật và nhốn nháo, thấy Dũng, thằng bé cũng chẳng buồn liếc nhìn một cái.
_ Gia đình bác chuyển đi ạ?
Bà Hoa ngẩng đầu lên. Bà cười với Dũng.
_ Ừ, cuối cùng cũng chuyển đi.
Bà nói, có vẻ vui mừng nhưng cũng dễ dàng thấy được nỗi buồn và sự bồn chồn, lo lắng. Bà buồn cũng phải, bà đã ở đây hai mươi mấy năm rồi.
_ Để con phụ bác một tay.
_ Cảm ơn cậu!
Dũng bê mấy thùng đồ xuống, xe tải đã đậu sẵn dưới nhà, đồ đạc cũng được đem xuống gần hết. Lúc Dũng đi lên, cậu không thấy Nam ở phòng, chắc thằng bé lại chạy sang phòng cậu chơi.
Ông Toàn đứng ở ngoài cửa chằm chặp nhìn vào, chẳng nói chẳng rằng, đến mức bà Hoa thấy khó chịu, gắt lên.
_ Ông muốn gì?
Bằng một giọng gầm gè, ông nói.
_ Nó sẽ chẳng để cho các người đi đâu.
Bà tức giận.
_ Ông tưởng chúng tôi sẽ chết dí ở xó này cùng với ông à? Ông đang ghen tị đấy hả, vì ông sẽ chết già ở đây, ông chẳng thể đi đâu được.
Mắt ông Toàn long lên, đỏ ngầu giận dữ, tưởng rằng ông sẽ nổi giận nhưng lại chỉ cười khùng khục. Ông nhắc lại.
_ Nó sẽ chẳng để cho các người đi đâu.
Bà Hoa giận run, cầm cây chổi trong xó nhà lẳng đến chỗ ông.
_ Ông cút đi!
Cây chổi đập vào tường, không trúng, ông Toàn bỏ đi, miệng vẫn cười khùng khục.
Dũng ngơ ngác không hiểu hai người đã xảy ra chuyện gì. Anh con trai của bà Hoa mồ hôi mồ kê nhễ nhại hớt hải chạy lên nói với mẹ.
_ Xe chuẩn bị chạy thì tự dưng chết máy. Bực mình thật, không biết họ làm ăn kiểu gì.
Mặt bà Hoa lo lắng thấy rõ.
_ Xe chết máy? Thế đã sửa được chưa, bao lâu nữa thì chạy được?
_ Con không biết! Vẫn đang sửa, không biết bị gì.
Bà Hoa lật đật cùng cậu con trai chạy xuống dưới nhà, chẳng ai còn lòng dạ nào để ý đến bé Nam suốt từ sáng tới giờ không thấy bóng dáng.
Dũng nhìn chằm chằm cậu con trai lạ mặt đang ngồi thản nhiên ăn trong phòng. Cậu ta cắm mặt vào đĩa mì, lùa từng đũa to vào miệng, như thể người bị bỏ đói lâu ngày.
Điền rót một ly nước để ngay cạnh, sợ cậu ta bị nghẹn. Dũng quắc mắt lườm. Cậu con trai kia buông đũa xuống, uống hết ly nước, ngả người trên ghế, vẻ thỏa mãn.
_ Cậu còn đến đây làm gì? _ Dũng cau mày hỏi.
Nghiêm cười hì hì, đưa tay áo ra quệt miệng. Trông cậu ta luộm thuộm và cáu bẩn, tóc tai bù xù, dài và bết lại với nhau, râu mọc nham nhở, da đen sạm, cháy nắng, nhìn cậu không khác gì người vừa từ ống cống chui lên.
_ Chúng ta học cùng trường mà nhỉ? Tớ cũng đã nhượng lại căn hộ tốt này cho các cậu thuê rồi đấy thôi. Cùng là bạn bè với nhau, nên giúp đỡ nhau mới phải.
Dũng sắp nổi điên nhưng Nhi ngăn lại. Cô mềm mỏng nói.
_ Cậu đến để lấy đồ đạc đúng không? Lúc bọn tớ nhận phòng, đồ của cậu còn chưa chuyển đi hết. _ Ngưng một lát, Nhi cười nói. _ Đồ của cậu cũng nhiều lắm đấy, bọn tớ phải vất vả lắm mới thu dọn xong.
_ Các bản vẽ của tớ vẫn còn chứ? _ Nghiêm vội vàng hỏi, cậu lo lắng, hoàn toàn chẳng bận tâm đến ý trách móc trong câu nói của Nhi.
Nhi chỉ vào đống đồ đạc được xếp gọn gàng trong góc phòng. Nghiêm vội chạy đến, lục tung ra; tìm thấy các bản vẽ của mình, cậu ấp nó vào lòng, cười sung sướng như tìm thấy báu vật, nhưng chỉ vài giây sau, ánh mắt cậu lại đầy vẻ thù địch, cậu giận dữ xé nát tất cả các bản vẽ.
Dũng hồ nghi hỏi Điền.
_ Cậu ta có bị điên không vậy?
Điền lắc đầu, không phải để phủ định mà chính cậu cũng không biết. Nghiêm vốn rất điên khùng và lập dị, cậu luôn có những ý tưởng kỳ quặc và hay tự nhận mình là một họa sĩ tài năng, mặc dù các tác phẩm của cậu chưa bao giờ được nhìn nhận và đánh giá cao. Những lúc đó Nghiêm chỉ cho rằng mọi người là kẻ ngốc, không thể hiểu được nghệ thuật của mình. Những bức tranh mà Nghiêm vẽ thường mang màu sắc u ám và ma mị, cứ như thể niềm đam mê nhất đời của cậu là vẽ được một bức tranh ma _ một bức tranh chứa đựng linh hồn, Nghiêm đã từng nói với Điền như thế.
Nghiêm đã xé thỏa thích, ngẩng đầu lên cười với mọi người.
_ Tớ sẽ vẽ một bức tranh, một bức tranh tuyệt đẹp! Có thể sẽ phải ở đây mất mấy ngày.
Nghiêm nói như đó là một việc đương nhiên, hoàn toàn là một lời thông báo. Không chỉ Dũng, đến Nhi còn cảm thấy khó chịu. Điền vội nói.
_ Cậu có thể đi chỗ khác không? Bọn tớ còn đang làm đề tài.
Nghiêm ngạc nhiên trước sự từ chối của Điền. Cậu kiên định nói.
_ Tớ phải ở đây, nơi đây sẽ là nguồn cảm hứng của tớ. Các cậu có thể không thích, vậy thì tớ đành phải tìm một phòng bỏ hoang nào đó trong khu này thôi. Dù sao ở đây cũng không thiếu gì phòng trống.
Điền bối rối nhìn Nhi và Dũng như một sự van lơn. Nhi thỏa hiệp, dù sao cho cậu ta ở lại vẫn đỡ rắc rối hơn để Nghiêm lủi thủi ở một căn phòng hoang nào đấy _ mà cậu ta thì dám vậy lắm.
Dũng đang định lên tiếng thì có tiếng gõ cửa phòng. Bà Hoa ở ngoài, mặt lo lắng và hốt hoảng ngó vào trong.
_ Thằng Nam có đến đây chơi không?
_ Không ạ!
_ Từ sáng tới giờ thằng bé không qua đây đâu ạ! _ Nhi nói.
_ Thế à! Không biết nó đi đâu.
_ Chắc thằng bé lại ham chơi ở đâu đó gần đây thôi. Bác đừng lo lắng quá!
_ Ừ, ừ! Hy vọng thế. _ Bà nói rồi vội đi, vừa đi vừa lẩm bẩm. _ Tìm được nó rồi tôi sẽ vụt cho nó vài roi, cho chừa cái tội ham chơi.
Nghiêm tò mò ngó ra ngoài.
_ Hai bà cháu nhà đó vẫn chưa chuyển đi nữa hả? Chậc, chậc.
Trời đã tối mà chiếc xe tải đậu dưới nhà vẫn chưa sửa xong. Bác tài xế loay hoay xem máy móc, sốt ruột.
_ Khỉ thật, tự dưng lại giở chứng. Không biết nó bị cái quỷ gì.
Cô con dâu bà Hoa đứng bên cạnh léo nhéo đòi giảm tiền thuê. Hai bên to tiếng, chỉ thiếu nước dỡ hết đồ đạc trên xe xuống.
_ Hủy hợp đồng thì hủy hợp đồng. Thật phiền phức! Các anh mau dỡ đồ đạc xuống đi!
Khi tất cả các vật dụng, đồ đạc trên xe được dỡ xuống, bác tài xế bực bội bước vào cabin nổ máy, động cơ kêu ầm ầm, xe chạy.
_ Nhà này đúng là bị ma ám rồi! _ Bác lẩm bẩm nói rồi lái xe rời đi.
Trên lan can của một căn hộ bỏ hoang ở lầu bốn, Nam nhìn xuống dưới sân, nở nụ cười thích thú.
Bà Hoa lại gõ cửa phòng, Dũng ra mở cửa thì thấy khuôn mặt bà cực kỳ lo lắng và hoảng loạn.
_ Thằng bé nhà tôi mất tích rồi, tôi đi tìm nó cả buổi mà không thấy. Các cô cậu có nhìn thấy nó ở đâu không?
_ Vẫn chưa tìm thấy thằng bé ạ?
Bà chực khóc.
_ Chưa, tôi cứ tưởng nó chỉ chơi đâu đó gần đây thôi. Hôm nay chuyển nhà bận quá, chẳng ai để ý đến thằng bé cả. Chúng tôi đã tìm nó khắp cả khu này rồi. Nó mà có chuyện gì, tôi chết mất!
_ Bác bình tĩnh. Sẽ không sao đâu ạ. Để bọn cháu phụ bác đi tìm.
Dũng, Nhi, Điền đều vội vã đi tìm, chỉ Nghiêm vẫn còn ở lại trong phòng, cứ như chuyện xảy ra chẳng có can hệ gì đến cậu. Cậu vẫn ngồi lặng im trước giá vẽ, nghĩ đến một bố cục hoàn hảo cho bức tranh của mình.
Cả ba chia nhau ra đi tìm khắp dãy nhà. Bên ngoài trời tối mịt, hệ thống chiếu sáng ngoài hành lang đã hư hỏng không còn hoạt động, ánh sáng duy nhất có được là từ biển chỉ dẫn lối thoát hiểm màu xanh lè, nhờ nhờ, u ám.
Nhi cầm đèn pin rọi vào các căn phòng trống, cất tiếng gọi “Nam ơi!”, không có ai đáp lại lời cô, thỉnh thoảng trong đống rác thải và đồ dùng cũ bị bỏ lại phát ra những tiếng rục rịch, lạo xạo của đám chuột và mèo hoang. Chúng vờn bắt, săn đuổi, chạy trốn nhau trong bóng tối.
Hành lang hẹp dài, tối om. Nhi nghe rất rõ tiếng bước chân mình đánh nhịp, vang vọng trong các căn phòng trống. Ánh đèn pin quét qua rất nhanh, lia khắp phòng, đôi lúc Nhi giật mình khi soi phải những bức ảnh cũ dán trên tường, những con búp bê, những bức tượng sứ… trông chúng cứ như những hình người ẩn khuất trong bóng đêm.
Làm sao một cậu bé có thể đi lại hay trốn ở một trong những căn phòng hoang này? Đến Nhi còn cảm thấy sợ, một sự áp lực và thôi thúc vô hình xui cô trốn chạy, nhưng cô vẫn tiến lên.
Nhi nghe thấy tiếng cười hinh hích phát ra ở căn phòng phía trước. Tiếng cười và giọng nói của trẻ con, Nhi vội chạy đến soi đèn vào trong nhưng chiếc đèn pin đột nhiên tắt phụt.
Trong bóng tối của căn phòng, Nhi thấy bé Nam ngồi trên một chiếc bàn gỗ cao vút được xếp chồng lên nhau. Trước mặt em là một vòng thòng lọng đung đưa, Nam thích thú đưa tay ra nghịch; chỉ cần em chồm người lên chút nữa, chiếc bàn sẽ đổ, và vòng thòng lọng sẽ thắt ngang cổ em. Nhi lạnh gáy.
_ Nam! Con đang làm gì trên đấy thế, xuống đây với cô nào. Bà đang tìm con, bà lo cho con lắm đấy.
Thằng bé thôi cười, đôi mắt nó sáng rực trong bóng đêm, lạnh lùng nhìn xuống.
_ Đừng bước đến đây!
Giọng thằng bé cứng và đanh lại, bàn gỗ chao đảo. Đó hoàn toàn là một lời uy hiếp.
_ Được rồi, cô đứng đây. Vậy con xuống nhé, trên đó nguy hiểm lắm. _ Nhi cố dỗ ngọt.
Nhưng thằng bé không thèm để ý đến lời Nhi, nó vung vẩy chân, như một trò chơi thú vị, chiếc bàn gỗ chao đảo rung rinh, vòng thòng lọng cũng đung đưa, lắc lư như muốn chụp ngay vào cổ nó.
_ Xuống đây đi Nam, bà đang tìm con đó! Con không muốn bà lo lắng mà, đúng không?
_ Hừ, đừng hòng lừa được con! _ Thằng bé hét lên. _ Người lớn ai cũng nói dối hết.
_ Không, cô không nói dối con.
Thằng bé vẫn bực bội.
_ Con không muốn chuyển đi, con muốn sống ở đây.
_ Nhưng khu nhà này sắp sập rồi, ở lại nguy hiểm lắm. Bà cũng chỉ vì muốn tốt cho con thôi.
_ Hừ, bà nói dối, bà không muốn ở lại vì sợ chị thôi. Ở đây ai cũng sợ chị nhưng chị hiền lắm, chỉ có chị hiểu con, chị lúc nào cũng chơi với con.
Nhi rùng mình.
_ Nam! Không có chị nào ở đây hết.
Thằng bé vênh mặt lên, cười cao ngạo.
_ Không ai có thể nhìn thấy chị, chỉ có con nhìn thấy chị thôi. Cô biết vì sao con nhìn thấy không? _ Giọng thằng bé trầm hẳn xuống. _ Bởi vì con cũng là một đứa trẻ bị bỏ rơi, giống như chị.
_ Không ai bỏ rơi con hết! Con biết đấy, bà rất thương con mà.
Thằng bé lạnh lùng nhìn Nhi – ánh nhìn làm Nhi cảm thấy thật đau lòng và hoàn toàn bất lực.
_ Cô thì biết gì?
Rồi thằng bé lại vung vẩy chân, nó cười đến là vui vẻ.
_ Con chỉ muốn ở cùng chị thôi. Chơi với chị thật thích.
Chiếc bàn gỗ đung đưa, lung lay sắp đổ, vòng thòng lọng lao đến chụp vào cổ thằng bé. Cô gái hiện ra, toàn thân trắng toát, cổ thâm tím một vòng, cô với lấy thằng bé, thằng bé cũng vòng tay muốn ôm lấy cô. Bàn gỗ đổ sụp. Vòng thòng lọng thắt lại, giữ thằng bé lơ lửng trên không.
_ Không! _ Nhi hét lên.
_ Con yêu, mẹ sẽ đón con qua đó sớm thôi! Con chịu khó ở lại đây một thời gian nhé.
_ Bao lâu hả mẹ? _ Hân buồn buồn hỏi.
_ Nhanh thôi!
Mẹ ôm Hân vào lòng, hôn lên trán cô nhưng chừng đó vẫn chưa đủ làm dịu đi nỗi buồn và sự sợ hãi đang cuộn trào trong lòng cô bé. Lỡ ba mẹ quên cô luôn thì sao?
Hân muốn òa khóc, muốn đòi ba mẹ mang mình theo cùng. Tại sao ba mẹ đem em trai Hân đi và để mình Hân ở lại, có phải ba mẹ thương em hơn, ba mẹ không cần Hân nữa không? Nhiều lần Hân muốn hỏi, nhưng lần nào cũng im lặng, Hân biết hoàn cảnh gia đình mình đang cực kỳ khó khăn; để có tiền sang Mỹ, ba mẹ phải vay mượn khắp nơi. Ba mẹ cần Hân ở lại _ như một sự cam đoan để các chủ nợ yên tâm rằng chắc chắn họ không bị quỵt nợ. Ba luôn khẳng định khi sang bên đó sẽ có nhiều cơ hội làm giàu, sẽ sớm đổi đời, ba mẹ sẽ trả hết nợ và sẽ đón Hân sang. Hân không biết nước Mỹ là một nơi như thế nào nhưng trước sự lạc quan của ba và niềm tin của người lớn, Hân nghĩ có lẽ đó là một nơi tốt thật.
Ngày mọi người ra đi là một ngày mưa xám xịt, những tầng mây đen kịt giăng kín trời, mưa rả rích từ sớm tới tối. Một mình Hân trong căn phòng vắng khóc một trận đã đời _ những giọt nước mắt mà Hân cố kìm nén để không cho ba mẹ và em trai mình nhìn thấy. Khóc xong một trận, Hân cảm thấy thoải mái hơn, bây giờ cô phải mạnh mẽ để có thể tự lo cho mình.
Những người hàng xóm tốt bụng trước kia giờ trở thành những người ích kỷ, chuyên đi soi mói và dò xét. Họ xì xào, bàn tán về Hân, săm soi xem Hân có trở nên hư hỏng khi không ở cùng ba mẹ. Họ hỏi về tình hình của ba mẹ Hân, bóng gió hỏi về thời điểm có thể trả nợ. Ban đầu những câu hỏi còn nhẹ nhàng, tình cảm nhưng càng ngày càng thẳng thừng và gay gắt hơn.
Đã mấy tháng trôi qua mà Hân vẫn chưa có được tin tức gì của ba mẹ. Hân lo lắng, liệu họ có bình an không, đã đến nơi chưa? Hay là họ đã quên Hân thật rồi!
Những chủ nợ bắt đầu tìm đến nhà nhiều hơn. Hân ngồi co trong phòng sợ hãi, giật thột mình mỗi khi có tiếng gõ cửa vang lên. Những người hàng xóm quen mặt và những người đàn ông lạ mặt tìm đến, họ chửi rủa, đập phá, lấy đi hết các món đồ giá trị trong nhà.
Ngày mưa rả rích, một toán đàn ông đập cửa phòng, khuôn mặt ai cũng dữ dằn, hung tợn. Gã đại ca cầm đầu với hình xăm trổ chồng chéo trên cổ và hai cánh tay nhìn khắp căn phòng, trống trơn, những đồ đạc giá trị đã bị mang đi hết. Gã tức giận chửi bới, gã túm tóc Hân, phun vào mặt cô những câu rủa xả, gã nói ba mẹ Hân có lẽ đã bị ném xuống biển cho cá ăn rồi, giờ thì chẳng còn ai để mà trả nợ nữa.
_ Thế thì tao sẽ dùng tấm thân mày để trả nợ, dù nó chẳng đáng bao nhiêu!
Gã cười đê tiện, những gã đàn ông khác cũng háo hức cười ré lên. Bàn tay gã thọc vào trong áo Hân, lưỡi gã liếm vòng trên da cô những đường ghê tởm. Hân kêu gào, giãy giụa.
_ Không! Đừng mà. Có ai không? Cứu với… _ Hai hàng nước mắt ứa ra, cô hét lên trong tuyệt vọng.
Cánh cửa phòng vẫn mở nhưng tuyệt nhiên không có một ai chạy vào.
Những bàn tay bẩn thỉu giày vò, xé toạc tấm thân cô, hết người này qua người nọ. Hân khóc không thành tiếng, bất động, mắt trắng dã trừng trừng nhìn lên một điểm trên trần nhà.
Đám người đã thỏa mãn cơn thú tính bỏ đi. Hân nằm vật vờ trên sàn, không nhúc nhích, nước mắt ứa ra, vẫn cứ mở trừng trừng.
Hân không biết mình nằm đó bao lâu, trong ê chề, đau đớn, nhục nhã. Bỗng chốc cô tự dưng thấy cuộc đời mình không còn ý nghĩa, cô không còn thấy tương lai, không còn niềm vui thích, mọi thứ chìm trong một khoảng lặng đen kịt vô hình và có một cái hố đen đang kéo cô chìm sâu vào trong đó.
Hân gượng dậy, đi kiếm một sợi dây thừng, treo lên. Cô choàng vòng thòng lọng vào cổ, đẩy ngã ghế. Sợi dây thừng siết chặt cổ, treo tấm thân cô giãy giụa, co giật một hồi rồi duỗi thẳng ra, lủng lẳng.
Ông Toàn sắp xếp đồ đạc cho vào thùng, chuẩn bị dọn đi. Phòng ông dán đầy bùa chú; tượng Phật bà Quan Âm và di ảnh của ba mẹ ông đặt trên bàn thờ. Cô gái đứng trước mặt ông, gương mặt vẫn thế, còn ông thì đã già rồi.
_ Cô cũng nên đi đi! Tha cho chúng tôi, đâu còn gì để cô ở lại.
Cô gái vẫn cứ đứng đó.
Ông thở dài. Giọng van vỉ.
_ Đi, đi!
Những lỗi lầm của quá khứ, của cha mẹ ông, của ông, của gia đình bà Hoa và của rất nhiều người dân trong cư xá hiện lên rất rõ ràng bằng hồn ma cô gái trước mắt. Nhưng bây giờ ông có thể làm được gì, mọi người đã đi hết, tòa nhà này sắp sập rồi. Người ta sẽ phá nó trong nay mai, rồi sẽ chẳng còn gì lưu lại nữa.
Tất cả sẽ được tháo dỡ, san bằng, biến mất. Cuối cùng ông cũng đã có thể chuyển đi, ông không biết mình nên vui hay nên buồn nữa.
Khi Nhi tỉnh dậy, điều đầu tiên cô hỏi là về bé Nam. Dũng trấn an cô, nói rằng thằng bé không sao, đã được ngoại nó đưa về nhà mới. Nhi không nhớ rõ lắm chuyện gì đã xảy ra. Dũng kể rằng cậu tìm thấy Nhi và Nam nằm ngất trong một căn nhà hoang. Thằng bé nằm đè lên Nhi, ngủ say, khi nó tỉnh, bà nó hỏi gì thì nó cũng trả lời rằng không biết.
_ Chẳng biết thằng bé nói dối để tránh bị ăn đòn hay quên thật. Nhưng dù sao mọi chuyện cũng ổn thỏa rồi.
_ Ừ! _ Nhi đáp nhẹ, đầu váng vất đau.
Nghiêm vẫn ngồi vẽ trong phòng, Nhi hỏi Điền.
_ Cậu ta vẽ từ tối qua đến giờ à?
_ Ừ. _ Điền đáp.
Nghiêm nhập tâm đến độ chẳng ai muốn làm phiền cậu ta, cậu cũng không hề để ý đến thứ gì khác ngoài bức vẽ của mình, đến mức tòa nhà này có cháy hay đổ sập ngay lập tức thì cậu cũng phải ngồi lại để hoàn tất bức tranh.
Thành phố có lệnh di dời khẩn cấp tất cả các hộ sinh sống tại lô IV và lô V ở cư xá Thanh Đa vì mức độ nghiêng lún đã vượt quá giới hạn cho phép. Những người không muốn chuyển cũng bị cưỡng chế rời đi. Nghiêm đã hoàn thành xong tác phẩm của mình và đi từ ngày hôm trước, chẳng báo với ai; Nhi, Điền và Dũng cũng đã sắp hoàn thành xong đề tài. Việc chuyển đi sớm hơn so với dự tính cũng không gây ảnh hưởng nhiều cho lắm.
Ngày bắt đầu tháo dỡ tòa nhà lô IV, cả ba có quay lại cư xá Thanh Đa, khuôn viên trước tòa nhà đã được rào chắn cẩn thận. Dũng nhìn thấy ông Toàn đứng trầm ngâm nhìn tòa nhà ở cách đó không xa; cậu đến chào hỏi, ông đáp lại với thái độ thân thiện và hiền đến mức Dũng phải ngạc nhiên. Ông đứng nhìn tòa nhà một lúc rồi bỏ đi, Dũng còn chưa kịp hỏi thăm về nơi ở mới của ông.
Bức tranh của Nghiêm đã đoạt giải của một cuộc thi nào đó. Tên tuổi cậu đột nhiên nổi như cồn. Bức tranh được mang ra đấu giá trên mạng, giá bán đẩy lên rất cao nhưng vẫn chưa một ai dám mua, bởi lẽ nội dung của nó đã mang điềm xúi quẩy _ bức tranh vẽ một cô gái treo cổ tự tử trong phòng. Màu sắc trong tranh với những đường sáng tối, pha trộn cực kỳ hài hòa, ma mị. Những người quen biết đều phải trầm trồ trước sự tiến bộ trong trong nghệ thuật của Nghiêm.
Nhưng điều quan trọng làm bức tranh trở nên nổi tiếng, không phải nó vẽ gì hay trình độ nghệ thuật của người nghệ sĩ cao siêu đến đâu mà vì lời đồn bức tranh bị ma ám. Người ta nghe tiếng con gái khóc rấm rứt phát ra từ trong tranh, đôi khi thấy thân hình cô chuyển động, đung đưa. Thỉnh thoảng cô biến mất, bước ra ngoài hoặc trốn đâu đó trong các căn phòng bỏ trống, lang thang giữa hành lang của tòa nhà trong bức tranh. Nghe nói đó là tòa nhà lô IV thuộc cư xá Thanh Đa, tác giả đã vẽ một câu chuyện có thật. Nhiều người tò mò muốn đến tận nơi để kiểm chứng nhưng tòa nhà đã bị phá dỡ, san bằng thành một khu đất rộng. Câu chuyện ma quái về cô gái treo cổ tự tử trong phòng có thật hay không thì chẳng ai biết được.