Mỗi sáng, Sài Gòn đánh thức tôi bằng cái kiêu hãnh của những vàng ươm nắng sớm nghịch ngợm nhảy tung tăng giữa phòng sau những hồi dài cố len lỏi qua lớp rèm tôi cố tình không bao giờ kéo chặt khít - có lẽ, tự bản thân tôi không thể chối từ mình, chối từ cái cảm giác đem nắng Sài Gòn đầu ngày vào làm đồng hồ báo thức cho tôi!
Mỗi sáng, Sài Gòn trải dài trước cái nhìn của tôi là vườn, là cây, là sự thanh bình của một nơi mà tôi biết, không bao giờ, ngoài nơi này, tôi có thể tìm thấy được ở bất kỳ đâu trên hành tinh rộng lớn tôi đang sống - nhà tôi! Và, cứ thế, tôi nhìn Sài Gòn của mình be bé, xinh xinh bằng cái nhìn của một đứa trẻ con không bao giờ chịu lớn trước những tiếng gọi thương yêu mẹ dành cho tôi, báo buổi ăn sáng; trước tiếng cười của cha ươm hơn cả nắng Sài Gòn những ngày vào hạ rực đỏ suốt một mùa; và tôi không chịu lớn trước cả tiếng gõ cửa phòng đầy ngái ngủ của đứa em trai đang cố chùi vào nằm nướng với tôi thêm chút nữa… Sài Gòn của tôi, có một góc là thế!

--- Ảnh minh họa ---
Mỗi sáng, tôi rong mình qua những chặng dài con đường quen thuộc đưa tôi đi đến những đoạn tôi đã chọn cho cuộc đời mình, cho những ý thức được định hình về công cha - nghĩa mẹ - ơn thầy, mà rõ ràng, không thể nào có thể tự tôi làm được! Đoạn Sài Gòn này của tôi có nắng, có gió, có bụi bặm, có mùi vị của những tất bật mà con người đem vào mình, hòa vào dòng đông đúc những người quanh họ, quanh tôi, đổ vào một cuộc sống mà người ta vẫn gán cho Sài Gòn - ồn ào và nhanh đến gấp gáp!
Đâu đó, cánh bồ câu chấp chới bay, ngang những quãng đoạn mà tôi tin rằng, Sài Gòn không hề sống gấp, chỉ là con người ta nhìn Sài Gòn bằng cái nhìn chậm rãi quá mà thôi!
Có một sáng Sài Gòn lười biếng! Nắng còn ngái ngủ trên tán cây bung xòe ngoài sân, quên mất chuyện phải vào phòng đánh thức tôi dậy để nhìn ngắm khoảng Sài Gòn bé xíu mà thương yêu đến vô cùng của tôi. Nếu thế, hôm nay, tôi sẽ người đánh thức nắng - tôi sẽ làm cái điều mà suốt những năm ròng rã tuổi thơ tôi, nắng đã làm cho tôi.
Và, tôi gọi nắng thức dậy!
Nắng nằm ưỡn trên tán lá, giữa khoảnh sân có cỏ, có hoa. Nắng nũng nịu cười và bảo tôi kể nắng nghe về tiếng bồ câu tôi vẫn mỗi ngày kể cho nắng nghe - ở chiếc cửa sổ mà tôi chưa từng bao giờ nói cho nắng biết rằng, tôi đã đặt tên. Và, tôi kể…
Đó là vuông vuông ô cửa sổ của một quán café tôi thường ghé vào mỗi khi cần “trốn” Sài Gòn. Tôi chưa từng thừa nhận với ai - ngoài nắng - rằng, tôi đã từng, nhiều hơn một lần, “trốn” Sài Gòn của tôi. Trốn cái ồn ào mà con người ta vấy vào Sài Gòn bởi những bực bội ức chế trong họ, hoàn toàn không phải do Sài Gòn gây ra. Trốn cái nắng bỏng rát đến căng hết thịt da của những ngày Sài Gòn cố hong khô tâm hồn cho những ai đang ướt át bởi nước mắt chảy ngược vào trong - những gánh hàng rong phe phẩy quạt than nắng rồi lại khóc vì mưa... Đôi khi, con người ta đi vội, sống vội, ngang qua rất vội và vô tình quá vội trước những bối cảnh giản đơn, nghèo nàn - có khi với họ là xấu xí - ấy, nên không hiểu cho nắng, rằng, để không mưa, để không vấy ướt những bước nhọc nhằn, ngoài cố rướn mình dài thêm, nắng chẳng thể nào làm gì khác!... Và, những khi ấy, những khi tôi biết, chỉ mình tôi hiểu cho nắng, tôi “trốn” Sài Gòn, “trốn” luôn cả sự cố gắng của nắng mà vẫn nhận lấy những trách cứ của người đời.
Vuông cửa sổ của tôi - nơi tôi đặt tên là “Khoảng Sài Gòn rất chậm” - dong thẳng ra tán lớn chi chít lá của cây đại thụ điềm tĩnh đứng giữa những chuỗi quá dài Sài Gòn nhiều lần thay áo mới. Ngoài đó, phía ngoài vuông cửa sổ, là đàn bồ câu thản nhiên đứng rỉa lông cho nhau. Ngoài đó, phía ngoài vuông cửa sổ, là đàn bồ câu không ồn ào, không vội vã, nói cho nhau nghe về những câu chuyện chúng đã nhìn thấy bằng cặp mắt của một loài mà với con người, chỉ là ch**, đôi khi chỉ là một món ngon người ta sẵn sàng bày biện cho những bữa ăn vốn thừa mứa của mình. Những câu chuyện luôn luôn có nắng…

--- Ảnh minh họa ---
Có câu chuyện về đứa trẻ bán báo dạo nhịn ăn suốt mười hai giờ đồng hồ để đủ tiền mua cho mẹ một tô phở hôi hổi nóng giữa cái rát bỏng Sài Gòn nhân ngày Tám tháng Ba - ngày mà mẹ nó cũng chẳng bao giờ đủ rảnh rỗi để biết, đó là ngày gì.
Có câu chuyện về người đàn bà gánh hàng rong suốt nhiều chục năm trời, những năm tháng đủ dài để oằn cong vai bà để co* b* được đặt đôi chân không bao giờ dám mơ đôi giày mới vào ngưỡng cửa giảng đường.
Có câu chuyện về hai chị em đứa trẻ ăn mày ngồi chia nhau miếng bánh mì đã thành ra cứng ngắt. Đứa chị bẻ nửa ổ bánh khô ran, cố tình chia một bên to - một bên nhỏ và chẳng cần ngần ngừ, nó vội đưa cho em mình phần lớn hơn. Đứa em, dẫu chỉ là một đứa trẻ con còn quá nhỏ, vẫn ngơ ngác nhìn rồi bảo, chị ăn phần của em đi!...
Và…
Có cả câu chuyện đám người lố nhố nói cười giữa những quán nhậu ồn ào, trêu ghẹo thằng câm bán vé số, rằng, nó mà dạ được một tiếng thì họ sẽ mua hết xấp vé đang nằm trong bàn tay run rẩy của nó - khi mà, nó cứ cố ú ớ nói ra thành lời một từ nó không bao giờ đủ khả năng để nói. Và, đám người kia cứ thế tru lên cười.
Có cả câu chuyện về những kẻ lạnh lùng đứng nhìn cô gái quỵ xuống, đau đớn đến mức không để đưa nước mắt ra khỏi khóe khi cái ấm của Sài Gòn không đủ giữ mẹ cô ở lại với cô thêm một ngày nữa - cho dù là một ngày cô quên mất mình là ai, chỉ kịp nhớ chuyện phải kiếm cho ra tiền, đủ để thuốc thang cho mẹ. Đó là câu chuyện về những con người nhanh chóng tụ tập thành một đám đông, đứng xì xào về nỗi đau của đồng loại họ. Nhưng, ngoài chỉ trỏ bàn tán, họ chẳng làm thêm gì khác cả!
Có cả câu chuyện con người ta lừa lọc nhau, bán đứng nhau, cho dù đại từ “nhau” đôi khi là bạn bè, đôi khi là hàng xóm, đôi khi là đồng nghiệp… chỉ vì một lợi ích rất xoàng xĩnh, rất rẻ tiền. Đàn bồ câu kể câu chuyện này cho nhau nghe với giọng điệu hoang mang, không hiểu, rằng, sao con người có thể dễ dàng đem vật chất bỏ lên bàn cân khi đĩa cân bên kia là ân tình?
Sài Gòn chiều nay mưa ảm đạm, dẫu sáng nay, nắng hứa với tôi sẽ sưởi ấm đủ cho tất cả những ai còn phải mưu sinh giữa cái chốn mà người ta vẫn cứ đinh ninh rằng quá nhanh, quá vội vã, quá ồn ào này… Tôi vẫn rong xe chậm, đều và thản nhiên giữa lớp mưa Sài Gòn trái mùa hanh hanh mùi gió lạ! Tôi vẫn là tôi, là kẻ ướp vị Sài Gòn vào từng thớ thịt của mình theo cách yêu thương nhất, trân quý nhất! Và, ở những vòng quay không vội vã của bánh xe tôi, tôi nhìn thấy, rất rõ ràng, người đàn ông lạnh lùng xua hai mẹ con chị lao công cố đứng nép vào hiên nhà ông để tránh tạm những phút mưa bất chợt ấy. Trong câu ông nói, hình như, có gì đó là không muốn vấy mùi rác rến vào tường nhà mình… Tôi cứ tưởng mình sẽ khựng lại. Tôi cứ tưởng mình sẽ dừng lại. Tôi cứ tưởng mình sẽ lôi chiếc áo mưa vẫn đang nằm gọn gàng trong cốp xe ra đưa cho hai mẹ con chị lao công đang cuống quýt xin lỗi người đàn ông giàu sụ kia và cuống quýt dắt díu nhau rời khỏi bức tường sáng bóng, đẹp đẽ ấy. Nhưng không! Tôi chỉ hốt hoảng lao đi! Tôi hốt hoảng lao đến vuông cửa sổ có đàn bồ câu ở ngoài của mình…

--- Ảnh minh họa ---
Tôi lặng im, hay nói đúng hơn là thẫn thờ nhìn ra ngoài vuông cửa sổ, lòng cứ hoang mang một nỗi gì đấy về câu chuyện ban nãy - những hình ảnh không thể nào đi ra khỏi đầu tôi - rồi hoang mang ngay cả với chính mình khi vội vã chạy trốn sự thật về đồng loại của tôi. Ngoài đó, mưa vẫn đang nặng hạt. Ngoài đó, vẫn nhiều chú bồ câu lao giữa mưa tìm về nhành cây. Ngoài đó, trong mõ* những chú bồ câu cố rũ cho hết những ướt át trên mớ lông vũ của mình là thức ăn chúng tìm về cho một đồng loại gãy cánh của chúng…
Không phải mẹ con! Không phải anh em! Chỉ là đồng loại! Chúng lần lượt đến gần, mớm cho chú bồ câu gãy cánh từng mớm mồi rất bé, đủ để chú bồ câu yếu ớt kia có thể ăn mà giữ mạng sống của mình. Giọt nước mưa trên cánh chú bồ câu nọ rơi vội vã xuống khoảng không gian phía dưới, đánh tong tong vào lòng tôi lặng đi giữa nhịp Sài Gòn vẫn cứ đông đúc, ồn ào dưới kia, dẫu, mưa vẫn còn đang trắng xóa. Và, tôi nghe rất rõ, ngoài vuông cửa sổ “Khoảng Sài Gòn rất chậm” của mình, tiếng bồ câu “grù grù” động viên đồng loại của chúng, tiếng bồ câu “grù grù” gọi nắng quay lại hong khô cho những tâm hồn ướt át đáng thương vì những vị kỷ của mình…
* Nhóm 4.0 *