Tiền truyện – Mạc Hạo
1.
Ba tuổi, có ý thức, tôi bắt đầu phải lao vào học.
Tôi phát hiện mình có một khả năng, đó là nhìn qua thứ gì một lần sẽ không quên, nhưng tôi không nói cho ai biết, kể cả cha lẫn mẹ.
Vì tôi nghĩ, họ cũng không tin đâu.
Mỗi ngày bắt đầu với giờ học cờ vây và học chữ. Các thầy cô khen tôi sáng dạ, còn nhỏ mà đầu óc rất linh mẫn, tôi chỉ cười khẽ, không xem đó là niềm vui.
Tôi thực mong mình học một hiểu mười, để có thể làm gương mặt xinh đẹp luôn u buồn của mẹ rạng người một nét cười hài lòng.
Mẹ chưa bao giờ mỉm cười với tôi, chí ít, tôi luôn nghĩ vậy.
Mọi người đều nói, tôi là đứa con hạnh phúc kết tinh từ tình yêu vững bền của cha mẹ. Dù hai người kết hôn rất lâu vẫn không có con cái, cha vẫn yêu mẹ như thuở ban đầu.
Tôi nghe nói, mẹ từng bị tai nạn nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gả cho cha gần chục năm mới có tôi. Thế nhưng, phụ sự kỳ vọng của mọi người, tôi mắc bệnh tim bẩm sinh. Y học bây giờ rất phát triển, nhưng phải chăng tôi lại nằm trong số những người bị sự phát triển của y học lãng quên, chỉ có thể dùng thuốc duy trì.
Cha tuy rằng rất thương tôi, mỗi khi công tác xa nhà trở về đều không quên mua những món quà đáng yêu theo nguyện vọng khờ dại của tôi. Khi tôi cảm thấy khó chịu, cha sẽ dịu dàng ôm lấy tôi vỗ về, nét mặt luôn nghiêm nghị của một vị lãnh đạo lúc ấy giãn ra, ánh mắt ấm áp nhưng không giấu được sự khổ tâm.
Giá như tôi sinh ra với cơ thể khỏe mạnh, hàng nghìn lần tôi đều nghĩ như thế.
Mẹ từ sau khi sinh tôi thì sức khỏe càng suy yếu, chỉ ở nhà tĩnh dưỡng. Tôi không thân thiết với mẹ vì luôn cảm thấy mẹ không thích tôi tới gần. Mẹ rất hay cáu gắt làm tôi hơi sợ, người ở trong nhà thì thầm sau tai tôi, mẹ từng là người phụ nữ rất dịu dàng, tôi không biết, vì tôi chưa bao giờ cảm nhận được sự dịu dàng ấy.
Mỗi buổi chiều, mẹ thường ngồi bên cửa sổ ngắm tôi học đánh đàn piano, chỉ có những khi ấy, tôi mới thấy, trong đôi mắt sắc sảo của mẹ có một nét nhu hòa, nhưng tôi lại có cảm giác quái lạ, cho rằng điều này không dành cho tôi.
Mỗi ngày chỉ đối diện với bốn bức vách, lòng tôi rất lạc lõng, thầm nghĩ, nếu tôi chăm chỉ học hành thêm chút nữa, mẹ sẽ vui vẻ chứ?
2.
Tôi rất sợ sấm sét, mỗi khi trở trời, tôi đều cố tỏ vẻ mình bướng bỉnh để có thể quay về phòng cuộn mình trong chắn bịt tai lại, vì thế mà bỏ bê chuyện học.
Bệnh tim của tôi vào những lúc như vậy rất dễ tái phát. Có một lần, tôi oằn người trên giường vì cơn nhói từng đợt, run rẩy tìm thuốc ở đầu giường uống vào, bên tai chỉ nghe tiếng quát tháo nghiêm khắc của mẹ vang lên ở dưới lầu: “Hạo đâu? Lại trốn học đàn? Sao tôi lại có đứa con lười như vậy. Nếu là Hy… nếu…”
Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy tên Mạc Hy, người đã khiến tôi căm hận đến tột cùng, nhưng cũng ngưỡng vọng đến tột cùng. Kẻ đã phá hỏng hết mọi ảo tưởng về tình thương của mẹ trong tôi.
Bác quản gia đỡ lời: “Cậu chủ vốn yếu người, nên đã về phòng nghỉ ngơi.”
“Anh còn nói giúp cho nó?” Mẹ nói. “Nếu là Hy, Hy sẽ luôn chăm chỉ, giỏi giang mọi mặt làm tôi vui mừng, còn Hạo, sao mỗi lần tôi hỏi đến, đều là nghỉ ngơi với lại trốn học?”
Bác quản gia vượt phận sự mà gắt: “Bà chủ! Cậu Mạc Hy đã rời đi lâu như vậy… bà chủ nên lo cho cậu chủ mới đúng, cậu chủ vốn mắc bệnh cơ mà?”
“Đúng thế!” Tiếng của cha vang lên, cha đi công tác về rồi. Tôi hiếu kỳ, ôm ngực thở dốc bám tường đến đầu cầu thang nghe ngóng. “Em suốt ngày chỉ nghĩ đến Hy. Nó là đứa vong ân, chúng ta nuôi dạy nó, cho nó ăn học, vậy mà nó bỏ trốn biệt tích. Em sao có thể vì Hy mà mặt nặng mày nhẹ với Hạo Hạo? Con nó có lỗi gì? Em thôi đi cho anh!”
Mẹ cũng gắt lên: “Ai nói em không lo cho Hạo, nó ở trong nhà ăn sung mặc sướng, em cũng chả ép nó học bao nhiêu. Còn Hy thì sao? Ai bảo nó tự bỏ đi? Nếu không phải anh ngầm đồng ý bảo quản gia làm chứng minh thư cho nó rồi đuổi người ngay ngày em sinh Hạo, Hy sẽ biến mất sao?” Rồi mẹ nức nở. “Vì anh nói Hạo mắc bệnh từ trong thai, nên mấy năm nay em đâu bảo anh cho người tìm Hy về. Nếu căn nhà này cho nó cảm giác an toàn, được yêu thương che chở, sao Hy phải bỏ đi chứ?”
“Yêu thương che chở? Em còn dám nói mấy từ đó với anh? Hạo Hạo thì sao? Em cười với con nó được mấy lần?” Cha gào lên. “Người đi thì cũng đi rồi, em lại vì Hy mà muốn nuôi dạy Hạo Hạo thành một Hy khác. Hạo Hạo nó là con ruột của em đó, em có tỉnh ra chưa hả? Hy nó là người ngoài! Nó sống chết thế nào anh không quan tâm! Còn Hạo Hạo, anh chạy đông chạy tây tìm cách cứu con, em ở nhà lại… em… Em làm mẹ kiểu gì thế hả?”
“Y học rất phát triển, rồi sẽ tìm được cách. Anh nói Hạo mắc bệnh từ nhỏ nên yếu người mà thôi, đâu phải nan y gì? Em làm gì Hạo mà anh nói em? Nó có lười học em cũng chỉ trích một chút rồi thôi. Còn Hy, ai nói nó là người ngoài? Nó là con của anh với cô ấy! Là con ruột của anh đó, sao anh có thể phũ phàng như vậy?”
Tôi không biết là ngoài trời nổi sấm, hay chính là tiếng sấm ở trong lòng tôi.
Cha có con riêng.
Càng quái hơn. Cha mặc kệ người con đó, trong khi mẹ tôi lại dành trọn tình yêu cho người đó.
“Hy là con ai, anh mặc kệ. Con của anh là Hạo Hạo, anh chỉ công nhận Hạo Hạo mà thôi.” Cha nói. “Còn chuyện bệnh tình của Hạo Hạo… thực ra…”
Cha vẫn luôn giấu việc tôi mắc bệnh tim bẩm sinh với mẹ, chỉ nói với mẹ rằng sức khỏe tôi yếu ớt từ nhỏ, vì mẹ từ sau khi sinh tôi ra cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể.
Mẹ khóc: “Nếu năm đó, anh không uống say ngủ nhầm cô ấy. Nếu không phải em bị tai nạn sau khi biết được sự thật, anh không biết chuyện cô ấy có thai, trong lúc em tức giận phẫn nộ nhất đã ép cô ấy bỏ rơi Hy ở cô nhi viện, để anh không biết đến sự tồn tại của nó. Năm Hy bảy tuổi em gặp nó, em ân hận vô cùng, em cho rằng vì tội lỗi của mình nên ông trời mới không cho em có con với anh, em dành trọn tình thương cho nó… cái ngày nó lên mười… anh phát hiện bản xét nghiệm ADN của Hy nhưng không nói gì, chẳng phải anh đã ngầm thừa nhận nó sao?”
“Anh…” Cha cứng họng. “Nhưng dù gì nó đã đi rồi là hết rồi. Giờ anh chỉ lo cho Hạo Hạo. Hạo Hạo là đứa con chúng ta đã ngóng trông mười năm. Sao em có thể…”
Tôi kinh hoàng với những điều được nghe thấy, khó chịu cố ngăn mấy tiếng ho. Ở dưới lầu dường như nghe được mấy tiếng động nhỏ này của tôi nên ngừng cuộc nói chuyện, là cha chạy lên cầu thang, nét mặt lo lắng, vội vã bế tôi lên, dịu dàng nói: “Hạo Hạo, mệt rồi sao không ở yên trong phòng. Cha về rồi đây, cục cưng của cha, ngoan.”
“Cha ơi, con có anh sao? Hy ấy…” Tôi hỏi nửa chừng liền bị cha gắt một tiếng, giọng nói mệt mỏi. “Chẳng có ai cả. Cha chỉ có con mà thôi.”
Tôi để cha đặt mình lên giường, ghém chăn, cơn mệt mỏi do bệnh lẫn những lời nói của cha mẹ làm tôi chỉ muốn nhắm mắt nghỉ ngơi. Nhưng tôi cảm nhận được, cái tên Hy này, ngay từ lúc này được khơi ra, sẽ là cái gai trong lòng tôi lẫn mọi người trong nhà.
Cha hôn lên trán tôi, ảo não: “Con là cục cưng quý giá nhất của cha, phải sống thật lâu, cha muốn nhìn con trưởng thành cưới vợ sinh cháu cho cha bế bồng, có biết không? Cũng đừng trách mẹ con…”
Phải rồi, tuổi thọ của tôi, chuyện mà mẹ vẫn luôn không biết.
Còn nhớ khoảnh khắc tôi đứng sau cửa nghe lén, dáng lưng bác sĩ thật lạnh lùng ở hành lang, nói với cha, e rằng tôi sống không quá mười lăm, thậm chí là mười tuổi, cha tức giận đấm mạnh vào tường, nghiến răng nói sẽ tìm mọi bác sĩ chỉ cần kéo dài được mạng sống cho tôi, bác quản gia lẳng lặng khóc.
Sự tồn tại của tôi trên đời, quả thật chẳng khác gì bất hạnh của người thân.
Mẹ không thích tôi, cũng phải mà…
3.
Tôi từng hi vọng mẹ sẽ dịu dàng với mình, nhưng khi nhìn thấy một bàn thức ăn không cách nào nuốt nổi thế này, tôi thật sự muốn khóc nhìn mẹ cứ gắp từng đũa làm đầy cái chén nhỏ của tôi.
Tôi không ăn được đồ mặn. Vì bệnh tình mà từ nhỏ, tôi chỉ ăn chay thanh đạm. Trước giờ tôi chưa từng ăn chung với mẹ, không ngờ đến lần đầu tiên ăn chung, lại khổ sở đến mức này.
“Bà chủ.” Bác quản gia đứng một bên, khẽ gọi đầy khó xử.
“Kìa, đây không phải toàn món con thích sao? Mau ăn đi kẻo nguội.” Mẹ khó hiểu nhìn tôi chậm chạp không động đũa, mỉm cười xinh đẹp mà dỗ dành.
Mẹ, con sai rồi. Thà như mọi ngày, mẹ lạnh lùng hỏi đôi ba câu chuyện học hành còn hơn, quan tâm kiểu này có khác nào cười vào mặt sự ảo tưởng của con ngày trước chứ.
Mẹ nhầm con với Hy rồi phải không?
Mẹ nào có biết, nào có nghĩ đến muốn tìm hiểu con thích gì, ghét gì.
Tôi run lên, gắp một đũa nhỏ cho vào miệng.
“Cậu chủ…” Bác quản gia muốn ngăn lại, nhưng tôi lắc đầu xua tay ngăn lại, mỉm cười với mẹ. “Ngon lắm ạ.”
“Ừ, vậy phải ăn nhiều vào nhé.” Mẹ cười tươi.
Tối ấy, tôi nôn thốc nôn tháo trong phòng vệ sinh, nhìn vẻ mặt tái nhợt trong gương, tôi đột nhiên cười to, cười trong nước mắt.
Bác quản gia mang thuốc lên phòng cùng một chén bánh trôi.
Bánh trôi là món ăn của đoàn viên, của gia đình sum vầy hạnh phúc.
Là món ăn tôi thích nhất. Thích trong vô vọng.
4.
Càng lớn, số lượng môn học càng nhiều, mà sức khỏe của tôi lại chẳng khá hơn bao nhiêu. Đối mặt với sự chờ mong của mẹ, tôi ngăn cản cha muốn giảm bớt việc học lại, sợ rằng lại phải nghe tiếng hai người cãi nhau. Có hôm tôi ngất xỉu khi lên lớp, tôi xin bác quản gia giữ miệng, chỉ cần cho tôi nghỉ ngơi một lát là được rồi.
Hình như những môn tôi được học, y hệt Hy năm ấy, theo mong muốn của mẹ, ngoài ra để kế thừa sản nghiệp gia đình, tôi lao đầu vào những con số, học cách quan sát thị trường chứng khoán biến động, tôi đặc biệt yêu thích binh pháp, tìm rất nhiều sách đọc thêm, vì tôi nghĩ, kinh doanh như một chiến trường vậy, đủ tài giỏi, đủ tàn nhẫn, đủ khôn khéo, mới có thể đạt thắng lợi cuối cùng.
Tôi không biết Hy trong lòng mình thế nào nữa, yêu mến hay căm hận?
Có lẽ là một loại ảo tưởng mù quáng đã được mẹ dày công đắp nặn.
Tôi đã từng vì hiếu kỳ, lục lọi tủ đồ của mẹ lúc mẹ không chú ý, phát hiện ra một quyển sổ và một tập ảnh chụp, quyển sổ thì nhét rất nhiều tranh vẽ, thư pháp lẫn kỳ phổ cờ vây mà tài năng khiến tôi phải giật thót, tập ảnh chụp chỉ có hình một cậu bé. Tôi chạm vào một bức ảnh, chụp người đó đánh đàn piano để nắng chiều qua khung cửa kính rọi vào dáng người hao gầy cùng sườn mặt nghiêng thanh tú, đẹp như một vị thiên sứ giáng trần.
Mẹ phát hiện, giật lấy ngay, và tát tôi đuổi ra ngoài.
“Bà chủ! Bà làm gì vậy?” Bác quản gia kịp thời xuất hiện chặn trước người tôi trong khi tôi còn đang sững sờ vì cảm giác nóng rát bên má.
Mẹ đánh con?
Con là con ruột của mẹ cơ mà?
Tôi thật sự muốn bật khóc đương trường gào lên với mẹ bao ấm ức: “Nếu mẹ đã không cần con, năm xưa còn sinh ra con làm gì!”
Có điều, tôi được thầy cô rèn luyện cho sự nhẫn nhịn nên vẫn chỉ nói một tiếng xin lỗi rồi ngoảnh mặt về phòng. Chuyện này không giấu được cha, hai người lại cãi nhau, tôi ở phòng bên dựa vào tường, ngồi ôm gối cắn môi khóc thầm.
Từ đó, Mạc Hy đặt trên môi của mẹ, không còn e dè gì nữa. Tôi cũng hoàn toàn tuyệt vọng về tình thương của mẹ dành cho mình.
Trước đây, tôi có thử hỏi bác quản gia về Mạc Hy, nhưng bác luôn chọn lái sang chuyện khác, giờ lại đồng ý kể cho tôi mọi chuyện.
Người đó rất giỏi, là một cái đích tôi luôn muốn mình chạm đến, thế nhưng, cha bảo tôi, Mạc Hy học mọi thứ phải tinh thông để hỗ trợ người thừa kế, còn tôi chính là người thừa kế, nên nhiều thứ chỉ cần cưỡi ngựa xem hoa là được. Tôi lại nghĩ, cha lo tôi học không nổi nên muốn giảm áp lực cho tôi, tôi cười lắc đầu.
5.
“Con rất có thiên phú về thư pháp và cờ vây, thầy thật sự muốn con ra ngoài cọ sát nhiều hơn.” Hôm nay bắt đầu đấu ngang với thầy, thầy khen tôi, đồng thời có chút tiếc nuối. “Tài năng của con thật sự rất quý giá.”
“Con rảnh rỗi đều chơi cờ trên mạng, vậy là được rồi, vả lại thầy thường mời các kì thủ chuyên nghiệp đến dạy con cơ mà.” Tôi cười, đặt nước đáp lại.
“Thầy thật không hiểu mẹ con.” Thầy nhấp trà. “Sức cờ của con rõ ràng còn nhỉnh hơn Mạc Hy. Năm xưa thầy từng chơi với Mạc Hy một ván, tuy cũng có thiên phú làm người ta kinh ngạc, nhưng rõ ràng con…”
“Thầy là đang bao che học trò thôi.” Tôi cũng không cho là thật. “Thời gian phân bổ môn học của con khác Mạc Hy, vấn đề được chú trọng khác nhau, anh ta là người hỗ trợ, con là người thừa kế, việc con cần chỉ là học những con số cho đàng hoàng.”
“Rõ ràng thầy thấy, con hợp với cờ vây và thư pháp, còn Mạc Hy ấy, mới phù hợp với kinh doanh.” Thầy lắc đầu. “Con dần trưởng thành, nhưng vẫn còn quá nhỏ tuổi, đừng gò ép mình quá.”
“Con rất tự ti thầy ạ, con cũng không hiểu nổi mình, nhưng có điều, co* ch* rằng, cả đời này, con cũng không qua được cái bóng của anh ta. Mẹ thích anh ta, con hiểu.”
Thầy thở dài: “Cái giỏi của con, con nên tự mình khám phá. Con cứ như vậy là không được, hãy ngẫm nghĩ cho kĩ, rốt cuộc con thích điều gì, đừng nghĩ đến mẹ con nữa, con luôn có cha con ủng hộ hết mực mà.”
“Vâng.”
6.
Lên tám tuổi, để thuận lợi cho chuyện công tác của cha nên chuyển nhà đến thành A. Nhà mới có một bãi đất trống bao xung quanh rộng vô cùng, tôi hào hứng năn nỉ cha cho học cưỡi ngựa bắn cung. Cha lo cho sức khỏe của tôi nên nhất mực phản đối. Tôi biết chắc đây là sở trường của Mạc Hy, giờ tôi cũng mặc kệ mẹ muốn xem tôi thành ai, tôi chỉ việc bóng gió ba hồi bốn lượt là mẹ vội vã cầu cha thay tôi ngay. Tôi cũng phải thề thốt ba hồi bốn lượt sẽ giữ an toàn, không để mình quá sức, còn muốn nhờ vận động để tăng cường sức khỏe.
“Con là Hạo Hạo đúng không? Tư thế cưỡi ngựa rất đẹp.”
Đó là lần đầu tiên tôi gặp Anna. Một người phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng, đáp ứng hết mọi ảo tưởng về tình thương của một người mẹ trong tôi.
Anna là bạn cũ của cha mẹ, vừa từ Mỹ về sau hơn hai mươi năm bôn ba ngoại quốc.
“Hạo Hạo, con xem nè.” Anna lau mồ hôi cho tôi, cười tươi tắn, giũ khăn tay làm trò ảo thuật biến ra một đóa hồng bạch tặng tôi. “Đẹp không con?”
Tôi dở khóc dở cười, không hiểu ra sao đành nhận lấy: “Tặng hoa hồng nên là hành động của một quý ông mới phải.”
Anna lém lỉnh nhéo mặt tôi, hôn chụt lên gò má làm tôi đỏ mặt: “Con sẽ sống thật lâu, thật lâu. Con trưởng thành từng ngày, nhưng trong mắt mẹ nuôi, con trong trắng, thanh khiết hệt như đóa hồng này vậy.”
Ra là mẹ nuôi biết phần nào về tuổi thọ của tôi nên muốn làm tôi vui.
Tuy rằng phương thức có hơi kỳ quái.
“Còn trong lòng mẹ nuôi, Hy thế nào?” Tôi lơ đãng hỏi.
“Đúng là mẹ nuôi rất hối hận năm xưa đã bỏ rơi Hy ở cô nhi viện… nhưng…” Anna ngập ngừng, gương mặt xinh đẹp thoáng một nét buồn. “Nhưng giờ trong mắt mẹ, không gì quan trọng hơn Hạo Hạo. Thật muốn bắt cóc con đem qua Mỹ nuôi.”
Tôi bật cười.
Phải. Anna từ Mỹ về là để tìm Mạc Hy, vì Anna chính là mẹ ruột của Mạc Hy.
Ban đầu sự xuất hiện của Anna làm không khí trong nhà có hơi mất tự nhiên.
Năm xưa, một lần rượu say loạn tính, cha và Anna có quan hệ, mẹ vì chuyện đó mà sốc đến nỗi ra đường bị tai nạn. Cha một lòng hối lỗi với mẹ, Anna có thai lại không nỡ bỏ đi một sinh mệnh tội nghiệp nên sinh ra Mạc Hy, xin mẹ cho Mạc Hy được mang họ Mạc rồi bỏ anh ta ở cô nhi viện, bản thân thì bay qua Mỹ.
Thời gian dần qua, gút mắc của ba người đáng lẽ cũng đã tháo gỡ được, nếu như năm Mạc Hy bảy tuổi không xuất hiện lần nữa… Kỳ thực, mẹ luôn giấu cha liên lạc với Anna.
Anna không kết hôn, lần này về tìm lại Mạc Hy, cũng như muốn triệt để tháo gỡ quá khứ này. Mẹ nhân nhượng một bước, muốn Anna nhận tôi làm con nuôi, như năm xưa mẹ nhận Mạc Hy.
Tôi rất thích tính cách vừa hào sảng vừa tinh tế của Anna, nhưng lại không muốn gọi một tiếng mẹ nuôi, có cảm giác lại đang mượn tạm một thứ của Mạc Hy vậy. Tôi chẳng có gì để trả cho anh ta nếu cứ mượn tạm hết thứ này đến thứ khác.
Tôi, ngay từ đầu, đã trắng tay.
Cha không ghét Mạc Hy, mẹ thương Mạc Hy không phải bàn, giờ Anna này cũng là của Mạc Hy.
Tôi thầm nghĩ trên đời liệu có gì hoàn toàn thuộc về mình không nhỉ?
Càng ngày tôi càng muốn gặp Mạc Hy, liệu người đó có thỏa mãn mọi ngưỡng vọng của tôi hay không, lại càng sợ gặp Mạc Hy. Nếu như tôi đưa được người đó về, chắc chắn sẽ nhận được một đáp án luôn muốn né tránh, sẽ triệt để tan vỡ.
Bản thân tôi, dường như chẳng là gì cả.
Nếu như tôi muốn có thứ gọi là gia đình trước khi chết, chỉ có một cách duy nhất là tìm ra Mạc Hy, để anh ta công nhận tôi là em trai, tôi mới có bước đệm chạm vào thứ mà mình có lẽ đã từng khao khát.
Có Anna ở giữa vung vén, mối quan hệ của cha và mẹ hòa hợp hơn, thỉnh thoảng còn đi du lịch ngắn ngày bồi đắp tình cảm, tôi đóng vai một đứa con ngoan ở giữa cổ vũ, kỳ thực lại nghĩ, ít gặp mẹ một ngày, tôi sẽ dễ thở hơn một ngày. Tôi năn nỉ quản gia chở tôi dạo quanh thành A, một thế giới bên ngoài mà tôi vốn chỉ biết tưởng tượng mỗi khi cô đơn ngắm nhìn từ khung cửa sổ, một vùng trời có Mạc Hy đang tự do hòa mình và hít thở. Có khi Anna cũng sẽ đi cùng dẫn tôi đi những nơi vui chơi giải trí mở mang giao lưu và tầm mắt. Tôi thi thoảng lại hiếu kỳ nhìn những đứa trẻ đồng lứa có bạn có bè cười tươi thích ý, nụ cười vui vẻ đến tận đáy lòng, còn tôi có tập cười đến cứng cơ mặt trước gương, vẫn khó coi hơn cả khóc.
7.
Vào cái ngày tôi biết được bác quản gia vẫn theo lệnh của cha thầm quan sát cuộc sống của Mạc Hy. Trái tim tôi đau đớn còn hơn những lúc bệnh tái phát.
Phải rồi, vì tình hình sức khỏe của tôi càng lúc càng chuyển biến xấu.
Cha cũng muốn một người thừa kế sơ cua mang dòng máu của mình mà nhỉ.
Tôi vẫn nhớ hôm ấy, tôi yêu cầu bằng được bác quản gia dẫn tôi đi gặp anh ta. Mạc Hy xuất hiện với thần thái kiêu hãnh rực rỡ nhất, thỏa mãn toàn bộ kỳ vọng của tôi, hình ảnh đẹp đẽ mà mẹ đã dày công đắp nặn bao lâu nay.
Tôi biết, mình thực sự không còn sống được bao lâu nữa. Tôi muốn thay lời của tất cả mọi người, mời anh ta trở về.
Mạc Hy vừa nghe nói tôi xưng mình họ Mạc, đã sợ hãi chạy rất nhanh. Tôi giật mình đuổi theo anh ta trong màn mưa lạnh đó.
Cầu xin anh… cứu vớt tôi…
“Anh cả! Em không có ý xấu! Nghe em nói đã!”
Tôi té ngã vì đường trơn, nhìn bóng người khuất xa, khóc lóc khổ sở.
Tôi vào trung tâm mua sắm thay một bộ đồ mới, uống phòng ngừa thuốc cảm rồi mới lên xe về. Bác quản gia hối hận vì đã dẫn tôi đi gặp, nhưng tôi không để tâm. Kiểu gì cũng phải có lúc gặp lại.
Tôi chóng mặt điều chỉnh hơi thở, ban nãy suýt nữa phát bệnh đến bất tỉnh, nhớ đến dáng lưng Mạc Hy hoảng hốt trốn tránh, lòng thật phiền muộn.
Tôi đứng ở cửa quán quan sát Mạc Hy. Những ngón tay lướt trên phím đàn như phát sáng, lấp lánh trong mắt tôi như ngân hà đêm đông.
Luôn như thế, mãi là tôi ở phía sau đuổi theo bóng dáng người đó, tưởng như sắp chạm vào, lại nhận ra khoảng cách càng xa.
Tôi biết sức khỏe mình lụi tàn lắm rồi, hai năm luyện võ xem như công cốc, cái thân tàn tạ này không biết còn có thể cầm cự được bao lâu. Tôi muốn nắm chắc thời gian đưa được Mạc Hy về nhà, dù chỉ một lần. Qua lần gặp này, mong muốn đó càng bùng lên mãnh liệt trong tôi.
Tôi rất hâm mộ con người tựa ánh dương ấy, gần như là một loại chấp mê không cách nào dứt được.
Tôi lạnh lùng nói với bác quản gia: “Tôi sẽ sắp xếp thời gian gặp Mạc Hy lần nữa. Bác dẫn tôi đi.”
“Cậu chủ! Không được đâu!”
Về đến nhà, tôi nén sự khó chịu bước vào, đã thấy cha sốt ruột đi đi lại lại trong phòng khách, mẹ chỉ cau mày uống trà. Bác quản gia lên tiếng: “Cậu chủ bảo học hành áp lực nên muốn đi loanh quanh thành phố khuây khỏa, trời bỗng mưa to nên tôi không dám chạy nhanh, đã về trễ làm ông bà chủ lo lắng.”
“Con đi đâu vậy? Còn không báo qua mẹ một tiếng?” Mẹ gắt.
Tôi phớt lờ, chào cha một tiếng. Cha lo lắng sờ sờ trán tôi: “Cha bảo giảm môn học con lại không chịu. Trời mưa còn muốn đi đâu, có mắc mưa hay không, mặc có đủ ấm không, cha bảo người pha con ly sữa uống cho ấm người nhé?”
Tôi không còn chút xíu nào cảm động với cái ôm của cha. Người này trước mặt nói tôi là con trai duy nhất ông yêu thương, sau lưng lại thầm quan sát tình hình cuộc sống của đứa con trai còn lại, giúp đỡ bồi dưỡng anh ta làm một người thừa kế khác, chẳng khác gì vả vào mặt tôi cả.
Người làm ăn ấy mà, ai lại không chừa cho mình đường lui cuối cùng. Thực ra thì tôi cũng không trách cứ gì, ai bảo sức khỏe của tôi yếu ớt đến vậy chứ.
“Không sao đâu ạ. Con lên phòng đây.” Nói rồi, tôi lướt qua mẹ bước lên cầu thang.
“Con học thói phớt lờ lời người lớn ở đâu?” Mẹ tức giận.
Tôi nhớ đến Mạc Hy, lòng bức bối khó chịu, cười nhạt với mẹ: “Con tưởng mẹ gọi Mạc Hy.”
Cha giật mình. Mẹ không hiểu ra sao càng thêm gắt gỏng: “Mạc Hy ở đâu ra, mẹ đang nói con đó.”
Tôi khoa trương tỏ vẻ khiếp sợ: “Khó có được một ngày, mẹ không nhầm con thành Mạc Hy.” Rồi tùy hứng nhún vai, bước lên lầu. “Cảm ơn đã quan tâm.”
“Mạc Hạo!” Mẹ bực bội, còn muốn nói gì đó, cha đã lạnh lùng nói. “Giờ thì hay rồi, em lạnh nhạt với con mười năm, giờ đến phiên con không thèm nhận em.”
“Anh nói gì?”
“Một câu đơn giản thôi, em biết con thích ăn món gì không?”
“Chẳng phải măng xào ngũ vị ư?”
Cha không nói gì, mỉa mai nhìn mẹ.
“Sao anh nhìn em như vậy?”
“Em còn không chịu tỉnh ra, ngày em mất con không còn xa nữa đâu. Em thích Hy đến thế thì đi mà tìm Hy, Hạo Hạo là con anh có anh thương nó là được. Đợi sức khỏe nó tốt hơn, anh sẽ đưa nó đi du học.” Giọng cha thờ ơ không giấu được trào phúng, tôi liếc hờ thấy cha nhận lấy ly sữa nóng từ tay người giúp việc, theo tôi lên lầu. “Hạo Hạo, uống sữa nè con, xong rồi xuống ăn cơm với cha nhé.”
Tôi im lặng. Nhận lấy. Không nói thêm gì.
8.
Lần kế tiếp gặp lại Mạc Hy. Trước đó tôi đã hỏi thẳng bác sĩ, tôi còn bao nhiêu thời gian. Bác sĩ nói, nếu không kịp thời phẫu thuật thì chỉ cùng lắm là ba tháng. Nhưng sức khỏe của tôi hiện giờ, nếu mời được bác sĩ mát tay, tỉ lệ thành công cũng chỉ 30%.
Tôi không muốn phẫu thuật. Tôi không có lòng ham sống. Đối diện với một gia đình làm người ta đau đớn lòng như vậy, sống để làm gì.
Nhà họ Mạc có người thừa kế ưu tú đấy thôi.
Trước khi chết, ít nhất, tôi sẽ thuyết phục cho được Mạc Hy bảo vật của họ quay về. Tôi tin rằng, nếu không phải đích thân tôi ra mặt, anh ta sẽ không về.
Tôi ép buộc bác quản gia dẫn tôi đến chỗ ở mới của Mạc Hy.
Tôi vẫn còn ấn tượng rất rõ đôi mắt phiền chán và trào phúng của anh ta. Tôi không biết đôi mắt anh ta đang trào phúng tôi là con ruột của cha mẹ mà quỳ gối xin tình yêu của người ngoài, hay anh ta đang trào phúng chính mình vì tưởng rằng tôi đến khoe khoang vẻ thiếu gia của mình.
Anh ta nói, anh ta thà chết cũng không quay về.
Nhà họ Mạc đó, không chứa nổi thế thân. Chỉ có thể đủ chỗ cho một người.
Cả hai bọn tôi, đều ghét phải làm thế thân cho đối phương. Cảm giác đó, bất lực đến mức nhấn chìm mọi tương lai vào trong màn đêm u tối.
Tôi đã quỳ xuống, khóc lên thật bất lực.
“Em sẽ không đòi hỏi, tranh giành tình cảm gì của cha mẹ với anh cả. Anh là người con ưu tú mà cha mẹ luôn tự hào và nhớ nhung. Em cầu xin anh trở về.”
Trong cuộc chơi tình cảm gia đình này, anh ta không hiểu, tôi đã thua từ vạch xuất phát. Anh ta không cần làm gì cả, mọi thứ đã thuộc về anh ta. Tôi muốn có tư cách được tranh đua, phải được anh ta công nhận là em trai.
Ai ngờ căn chung cư đó bốc cháy. Tôi còn nhớ vẻ miễn cưỡng bất lực của anh ta vì cố cứu mạng tôi.
Tôi sắp chết rồi. Anh mới là người cần phải sống, hoàn thiện mảnh ghép gia đình họ Mạc. Tôi không phải.
Nhưng tôi, dù đã thoát ra ngoài, nhìn anh ta nằm trên cáng thương, xúc giác vẫn cảm nhận được cái nóng của lửa, nhưng trong tim vẫn buốt giá.
Không ai cần tôi cả.
Tôi lên cơn đau tim, chết là đúng rồi.