"Em cảm thấy mệt mỏi và áp lực lắm, dù em chẳng làm được gì nên hồn cả. Em không chăm học, cũng không đạt điểm số cao nên lại càng không dám chăm học. Em rất sợ mọi người biết em cố gắng. Ai không muốn đứng ở vị trí cao chứ, chẳng ai thích đứng sau người khác cả. Em cũng vậy, nhưng em không dám nói cũng không dám cố gắng. Em mông lung lắm, chỉ muốn bỏ lại mọi việc, học tập thì sao, kiếm tiền làm gì chứ? Em đâu muốn như vậy, những người khác có thể cũng vậy nhưng họ vẫn làm, vẫn học, vẫn cố gắng tranh đấu vì đồng tiền. Còn em, chỉ là không được "khác người"."
Những "người thân" của tôi vẫn bảo:" Chúng nó làm được sao mày không làm được?" Có vẻ đấy chẳng phải câu hỏi vì làm gì có ai tìm được câu trả lời nào cho câu nói đó. Bài học mà tôi "ngộ ra" được là hãy im lặng đi, lắng nghe họ. Người ta đâu muốn nghe em giải thích, cũng chẳng quan tâm vì sao em phải giống họ. Có lẽ vì họ cũng "không muốn khác người", cũng phải nghe những câu đó cả ngàn lần rồi. Lúc đó có lẽ họ còn gay gắt và mệt mỏi hơn em nhiều, nhưng ngày qua ngày, nghe nhiều rồi cũng chai sạn cả, rồi chẳng còn để tâm nữa, rồi quên cảm giác khi bức bối ban đầu, rồi lại trở thành người nói ra chính những lời đau lòng đó. Vậy nên em hãy thử lắng nghe họ xem, có lẽ thay vì phản ứng lại, gay gắt, mệt nhọc, hãy cứ để họ nói hết ra đi. Coi đó như là cách người ta giải thoát cho cái "tôi" của mình-một cái "tôi" đã vô tình lạc lối để rồi phai mờ. Và khi em lắng nghe họ, chính em cũng đang thể hiện bản thân mình, em khác họ, em có cuộc sống của mình, có con đường của mình, có lựa chọn của mình. Cứ dũng cảm thể hiện mình đi, và cho họ biết "em là em, đừng bắt em là ai khác."