
Bất kể có chuyện gì xảy ra trong vài tháng tới, dù cho chúng có thuyết phục tới đâu chăng nữa, thì hãy tin chắc một điều rằng: tôi hoàn toàn không muốn chết! Tôi sẽ tìm mọi cách để “số phận” đó không xảy ra, nhưng nếu tôi không thể thành công, tôi cần đảm bảo có một ai đó biết được những gì đã thực sự ập đến…
Tôi chưa từng là một người đáng chú ý. Tôi chưa từng làm điều gì tồi tệ, nhưng tôi cũng chưa từng làm điều gì thật sự tuyệt vời. Nói một cách đơn giản: từ khi tốt nghiệp cấp III, tôi đã vĩnh viễn trở thành một kẻ tầm thường.
Thành thật mà nói, thì tôi cũng chẳng quá quan tâm tới việc bản thân là một kẻ tầm thường. Cuộc đời chẳng quá mức khó khăn, tôi chẳng vấp phải bao nhiêu trắc trở, và tôi cảm thấy bản thân có rất nhiều thời gian để tiếp tục hoàn thiện chính mình. Nhưng, bước qua tuổi 30, những thời gian mà tôi phung phí đã bắt đầu mài mòn đi sự tự tin của tôi, và một sự lo lắng bắt đầu xâm lấn lấy cuộc sống vốn luôn bình dị của tôi.
Để khiến bản thân cảm thấy khá hơn, tôi quyết định xem lại những cuộn băng ghi lại những khoảng khắc đáng nhớ trong cuộc đời mình, nghĩ rằng điều đó có thể giúp tôi tìm ra được từ khi nào mà bản thân lại đánh mất đi niềm đam mê trong cuộc sống như thế!
Tôi lục lọi tầng hầm nhà cha mẹ mình khi mà họ đi vắng, để tìm lại những kỷ niệm đã từng bị lãng quên. Lần cuối cùng mà gia đình chúng tôi quay lại những khoảng khắc trong cuộc sống là khoảng đầu những năm 2000, khi mà băng VHS bắt đầu chẳng còn được dùng phổ biến như trước nữa. Dẫu vậy, cha tôi là một người có sở thích giữ lại những món đồ cũ, chủ yếu bởi ông lười vứt chúng đi, do vậy mà cả những cuộn băng VHS lẫn đầu chạy băng vẫn còn được bảo quản một cách hoàn hảo trong những chiếc thùng các-tông phủ bụi.
Sau khi cố gắng tìm kiềm trong một khoảng thời gian không hề ngắn, bị gián đoạn bởi từng trận ho khan giữa đám mây bụi đã lặng yên chục năm có lẻ, cuối cùng tôi cũng tìm được chiếc hộp các-tông với dòng chữ “Video gia đình” viết bằng nét mực màu xanh dương đã phai màu.
Bên trong chiếc hộp, đầu chạy băng cùng từng cuộn băng VHS được xếp đặt ngay ngắn, đầy đến tận mép. Đủ tràn đầy, để khiến cảm nhận đầu tiên của tôi khi nhìn vào trong chiếc hộp là tự hỏi: gia đình mình có từng quay nhiều băng đến vậy sao? Thế nhưng, sự tràn đầy đó cũng bắt đầu phần nào thỏa mãn cảm giác hoài cổ trong tôi, khiến cho tôi cảm thấy tin vào việc mình sẽ tìm được niềm cảm hứng nào đó mà bản thân đã đánh mất vẫn còn lưu lại trong từng thước phim cũ kỹ đó.
Và, chẳng hề chần chừ thêm nữa, tôi đã mang cả chiếc hộp ra khỏi tầng hầm nhà cha mẹ, chất nó lên xe rồi đưa về căn phòng trọ một phòng ngủ của mình. Sau khi bỏ thêm chút thời gian tìm kiếm dây nối thích hợp để chuyển đổi tín hiệu từ chiếc đầu chạy băng cổ lỗ sỹ sang chiếc TV đời mới, tôi nhặt lên cuộn băng đầu tiên với tựa đề “Rosh Mann, những khoảng khắc: 1985 – 2006” và cắm nó vào trong đầu chạy băng.
Dù cho nhiều đoạn video được ghi lại từ hơn 30 năm trước, thế nhưng cuộn băng mà tôi vừa cầm lên lại trông tương đối mới, ít nhất là khi so sánh với những cuộn băng VHS khác. Điều đó có nghĩa rằng một ai đó đã chuyển nội dung từ một cuộn băng VHS khác sang cuộn băng này nhằm tránh cho những đoạn phim được lưu lại bị hỏng hóc, và người đó có lẽ chính là mẹ của tôi.
Dĩ nhiên, cuộn băng cần được tua lại từ đầu. Trong lúc chờ đợi, tôi tự rót cho mình một ly rượu whiskey rẻ tiền, kiên nhẫn lắng nghe thứ âm thanh ồn ào do đầu chạy băng phát ra cho đến khi nó lần nữa trở nên yên lặng. Và, tôi nhấn nút “Play”.
Hiện lên trên màn hình, là một đoạn phim quay có phần mất nét với “nhân vật chính” hẳn nhiên chính là tôi, khi đó mới chỉ là một đứa trẻ sơ sinh mới chào đời không lâu. Phần góc đoạn phim là con số ghi lại thời gian nó được ghi lại, một buổi chiều ngày 05/01/1985.
Người quay đoạn phim đó là mẹ tôi. Bà nói và làm ra những cử chỉ hài hước nhưng tối nghĩa để khiến cho tôi cười lên, và sau một một lúc thì tôi thật sự đã cười. Tiếng cười của tôi cũng khiến cho mẹ tôi cười trong vui sướng, niềm vui sướng của một bà mẹ trẻ khi nhìn vào đứa con bé bỏng mới sinh của mình.
Tôi đã ngồi đó suốt hơn nửa tiếng trước màn hình TV, yên lặng quan sát bản thân lớn lên. Mặc dù hoàn toàn chẳng hề có bất kỳ một chút ký ức nào về quãng thời gian còn thơ dại ấy, tôi vẫn cảm thấy vui vẻ khi biết rằng đã có lúc bản thân được sống một cuộc sống vô tư tràn ngập niềm vui và khám phá.
Mọi điều thật sự rất tuyệt vời, và trước khi tôi kịp nhận ra, thì đoạn phim đã chạy đến Giáng sinh năm 1989, một trong những kỷ niệm vui vẻ đầu tiên mà tôi còn nhớ được.
Tôi, một cậu bé bốn tuổi đội chiếc mũ Ông già Noel rộng thùng thình, ngồi trên sàn gỗ và nghịch ngợm với những món quà Giáng sinh được bọc trong giấy gói đầy màu sắc. Trong tiếng nhạc Giáng sinh vui vẻ rộn ràng, một chú cún chạy xung quanh, cậu bé bốn tuổi hào hứng bóc từng hộp quà, những mảnh giấy gói đầy màu sắc bị ném ra khắp sàn nhà.
Cuối cùng, chú cún cũng không nhịn được mà chạy nhào về phía tôi và bắt đầu giật lấy những món quà một cách đầy tinh nghịch, còn tôi thì cố gắng đẩy nó ra xa, trong khi miệng vẫn cười khanh khách.
Đó quả thật là một hình ảnh tuyệt vời, một kỷ niệm đáng trân trọng, và là Giáng sinh đầu tiên mà tôi còn nhớ tương đối rõ. Nhưng, giữa những ký ức đã không còn rõ ràng ấy, tôi hoàn toàn không hề nhớ rằng gia đình mình từng nuôi một chú cún nào cả.
Không, đừng hiểu lầm, tôi vốn luôn rất yêu động vật, đặc biệt là những chú cún đáng yêu. Thực ra, từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn muốn được nuôi một chú cún của riêng mình, nhưng vì bản thân tôi bị dị ứng nặng với chúng nên cha mẹ luôn giữ tôi tránh xa những sinh vật lông xù vô cùng đáng yêu đó.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi là, chú cún đó là của một người họ hàng nào đó trùng hợp tới thăm gia đình tôi dịp Giáng sinh. Nhưng, thời gian trôi qua, chú cún ấy vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong nhiều thước phim, tựa như nó là một người bạn đồng hành của gia đình tôi mà không thuộc về một ai đó khác. Dù cho bản thân luôn là “tiêu điểm” trong những thước phim đó, những thước phim rõ ràng chưa hề trải qua chỉnh sửa, nhưng chẳng hiểu vì sao mà tôi hoàn toàn chẳng hề có bất kỳ một chút ký ức nào, dù là nhỏ nhất, về sự tồn tại của chú cún kia.
Chú cún đó, được tôi cũng những người khác gọi tên là Doug, đã theo sát từng bước trưởng thành của tôi cho đến khi tôi 12 tuổi, rồi đột ngột biến mất và không bao giờ xuất hiện nữa trong những đoạn phim. Tuổi tác có lẽ đã đem nó đi khỏi thế giới này, nhưng đó là một điều mà tôi không thể hoàn toàn chắc chắn, bởi trong những đoạn phim tiếp theo chẳng có bất kỳ ai còn nhắc đến cái tên ấy nữa.
Doug cứ thế biến mất như thể nó chưa từng tồn tại, cũng như nó như thể chẳng hề tồn tại trong ký ức của tôi.
Dù cảm thấy chút gì đó kỳ lạ, nhưng tôi vẫn tiếp tục kiên nhẫn xem tiếp cuộn băng. Thời gian trôi qua, tôi tốt nghiệp cấp I, rồi cấp II, rồi cấp III, rồi vào Đại học. Mọi chuyện được ghi lại trong những thước phim đều xảy ra đúng như những gì mà tôi từng nhớ, mỗi một khoảng khắc dù là nhỏ nhất đều không hề khác biệt so với những hình ảnh còn lưu lại trong ký ức của tôi. Tất cả, ngoại trừ chú cún tên là Doug.
Đoạn băng đã gần kết thúc, trên góc màn hình hiện ra thời gian một buổi chiều muộn ngày 07/10/2006. Tôi tự ghi lại hình ảnh bản thân bên những người bạn đồng nghiệp tại công việc bán thời gian, những con người trẻ tuổi đang uống cùng nhau sau giờ làm làm việc. Mặc dù đó chỉ là một buổi chiều bình thường như bao buổi chiều khác, nhưng tôi nhớ rõ khi đó bản thân đã cảm thấy vô cùng vui vẻ, sự vui vẻ của một người trẻ tuổi hoàn toàn biết rõ bản thân sẽ trở thành một ai đó trong cái thế giới này. Mọi người cười nói với nhau, và dường như chúng tôi đã có một khoảng thời gian hết sức tuyệt vời.
Thời gian chậm rãi trôi qua, vẫn buổi chiều hôm ấy, uống quá nhiều rượu bia đã khiến trí nhớ của tôi dần trở nên mơ hồ, và hình ảnh hiện ra trong đoạn phim cũng dần trở nên vụng về. Đột nhiên, toàn bộ hình ảnh biến mất trong vài giây ngắn ngủi, trên màn hình chỉ còn lại một màu đen trước khi màu sắc quay trở lại, lúc này đây là hình ảnh của tôi được một ai đó ghi lại từ phía đối diện của quán bar.
Dù là ai đã ghi lại những hình ảnh ấy đi chăng nữa, thì đó cũng không phải là một trong những người bạn của tôi, và tôi cũng dường như cũng chẳng hề nhận ra bản thân đang trở thành “nhân vật chính” trong đoạn phim của một ai đó khác.
Trong đoạn phim, tôi vẫn đang ngồi bên những người bạn đồng nghiệp của mình, vừa mới “kết thúc” cốc bia cuối cùng, rồi cùng nhau đứng dậy để thanh toán tiền. Khi chúng tôi rời khỏi quán bar, thì tác giả của đoạn phim cũng theo sau, luôn giữ một khoảng cách nhất định. Đến lúc này, tôi cùng những người bạn của mình dường như vẫn chẳng hề hay biết bản thân đang bị một ai đó bám theo.
Nói đúng hơn, dưới ảnh hưởng của men say, tôi đã chẳng hề nhận ra chiếc máy quay của mình đã bị một kẻ lạ mặt lấy mất. Và, kẻ lạ mặt ấy đã tiếp tục bám theo chúng tôi dọc con phố vắng, cho đến tận khi tôi được những người bạn thân “gửi gắm” cho một gã tài xế taxi.
Mọi hình ảnh chợt biến mất. Nhìn vào màn hình TV giờ đây chỉ còn duy nhất một sắc đen, tôi tự hỏi liệu cuốn băng này đã chạy hết độ dài của nó hay chưa, bởi nơi góc màn hình bộ đếm thời gian vẫn chưa hề dừng lại.
Ngay khi tôi định cầm điều khiển lên sau chừng một phút chờ đợi trong nhàm chán, thì sắc đen trên màn hình TV kia lại chợt bị thay thế bởi những hình ảnh mới, phản chiếu lại trong tâm trí tôi một cảm giác “đen tối” hơn rất nhiều lần bất kỳ điều gì khác mà bản thân tôi từng trải qua.
Ánh đèn yếu ớt chiếu xuống con đường không người qua lại, chỉ vừa đủ để ngăn chặn sự xâm lấn của màn đêm. Một ai đó cầm máy quay chậm rãi bước đi dọc con đường ấy, dường như chẳng hề để ý đến việc trên mặt đường đang rải rác nhiều mảnh vụn kim loại cùng quần áo, hay thứ âm thanh của ngọn lửa đang bùng cháy mơ hồ vọng lại từ hướng xa.
Số lượng mảnh vụn trên mặt đường càng nhiều, kèm theo đó là âm thanh của ngọn lửa bùng cháy vang lên càng rõ. Nhưng, người cầm máy quay vẫn chậm rãi bước về phía trước, dường như chẳng hề quan tâm hay tò mò tới điều đang chờ đợi bản thân phía trước.
Không lâu sau, trên màn hình hiện ra hình ảnh một chiếc xe hơi gặp tai nạn đang bốc cháy. Người cầm máy quay vẫn chậm rãi tiến lên tựa cỗ máy không cảm xúc, để hình ảnh hiện trường vụ tai nạn tàn khốc dần hiện lên một cách rõ ràng, và để cho trái tim của tôi dần trở nên loạn nhịp trong lồng ngực.
Một chiếc xe hơi bốc cháy. Trên ghế trước, người tài xế đã chẳng còn bất kỳ cơ may sống sót, cơ thể không đầu gục xuống, từng mảnh xương sọ cùng thứ chất lỏng nhớt đỏ trắng đan xen bám trên bánh lái cùng mặt trong tấm kính chắn gió phủ đầy những vết nứt như mạng nhện.
Người tài xế đã chết, nhưng có lẽ ông ta lại là kẻ may mắn hơn cả, bởi cái chết đó đến một cách bất ngờ và nhanh chóng. Không đau đớn, không chịu đựng, và chẳng bao nhiêu hối tiếc. Không như người hành khách duy nhất trên chiếc xe gặp nạn, vẫn còn đang giãy giụa hòng giúp bản thân thoát ra khỏi nơi tưởng chừng địa ngục kia.
Bên dưới ngọn lửa bùng cháy, là một khung kim loại đã hoàn toàn biến dạng sau cú va chạm tốc độ cao. Người hành khách, khuôn mặt hoảng loạn phủ đầy máu và bụi bẩn hiện lên mơ hồ dưới ánh lửa vặn vẹo, hai cánh tay dùng sức bám lấy cánh cửa hòng lôi kéo cả cơ thể thoát ra ngoài.
Nhưng, mọi nỗ lực đều là vô ích. Cú va chạm mạnh cuối cùng đã khiến cho chiếc xe hơi bị “nén” lại, đôi chân người hành khách đã hoàn toàn kẹt cứng chẳng thể nhúc nhích mảy may.
Ngọn lửa bùng cháy ngày càng dữ dội. Trên con đường vắng, vẫn chẳng có bất kỳ sinh linh nào qua lại, với ngoại lệ là người hành khách vẫn đang vùng vẫy cầu sinh, cùng kẻ đang cầm máy quay ghi lại những hình ảnh kinh khủng đó. Cả hai cách nhau chỉ chừng vài mét, thế nhưng dường như lại tồn tại trong hai không gian hoàn toàn cách biệt – kẻ cầm máy quay bình tĩnh ghi lại hình ảnh kia trong vô cảm, còn người hành khách thì chẳng hề cầu xin cứu giúp dù cho đang có một người khác đứng ngay trước mặt mình.
Trong tiếng gào thét, bản thân người hành khách bắt đầu bốc cháy, máu bám trên mặt và tóc anh ta cũng khô lại dưới sức nóng của ngọn lửa, rồi nhanh chóng bị phủ kín bởi lớp muội đen. Ngược lại, trang phục trên cơ thể người hành khách lại bắt đầu chảy mềm ra thành thứ chất lỏng dính nhớt mà dễ cháy, khiến ngọn lửa bao trùm lấy kẻ đáng thương kia dường như còn sáng hơn ngọn lửa đang bùng cháy bên ngoài.
Rồi, tiếng gào thét lặng dần. Lặng dần, không phải bởi người hành khách kia đã chết – trong đoạn phim, thân hình cháy đen đó vẫn còn chưa thôi vùng vẫy, dù cho những cố gắng thoát thân đã chẳng còn mạnh mẽ như lúc ban đầu. Chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi chợt nhớ tới một mẩu thông tin mà bản thân từng tình cờ đọc được, rằng ngay trước khi tử vong thì nạn nhân hỏa hoạn thường sẽ chẳng còn cảm giác thấy đau đớn nữa, bởi toàn bộ dây thần kinh cảm giác của họ đã bị ngọn lửa thiêu cháy mất rồi.
Đến cuối cùng, thứ duy nhất còn di chuyển trên khung hình chỉ còn là ngọn lửa đang chậm rãi lụi tàn, cho đến khi hoàn toàn bị dập tắt như sinh mệnh của hai con người xấu số trên chiếc xe hơi gặp nạn.
Đoạn phim đã thật sự kết thúc, nhưng tôi vẫn cứ ngồi bất động trên ghế, ánh mắt vô thần nhìn vào màn hình TV.
Trong đầu tôi, vẫn cứ lặp đi lặp lại hình ảnh người hành khách đang cố gắng vùng vẫy để thoát ra khỏi chiếc xe hơi đang bốc cháy. Bên tai tôi, vẫn cứ vang vọng âm thanh kêu gào thảm thiết kia của những kẻ đáng thương với phần da thịt bị cháy khét.
Kiểu tóc ấy.
Khuôn mặt ấy.
Bộ quần áo ấy.
Chiếc xe taxi ấy.
Ngày 07/10/2006, những khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc đời tôi đã được ghi lại bởi chiếc máy quay của chính bản thân mình...
Chẳng biết qua bao lâu, tôi mới dần tỉnh hồn lại. Giơ lên điều khiển để đẩy cuộn băng ra khỏi đầu chạy VHS, trong đầu tôi băn khoăn câu hỏi – liệu bản thân đã trở thành nạn nhân của một trò chơi khăm ác ý do kẻ quái gở nào đó bày ra, hay liệu những hình ảnh trong cuộn băng đó thật sự ghi lại cuộc đời của một “tôi khác”, một “tôi khác” mà cuộc đời đã đột ngột chấm dứt khi vẫn còn đang tuổi đôi mươi.
Run rẩy, tôi lần nữa nhặt lên một cuộn băng từ trong chiếc hộp các-tông.
Tựa đề của cuộn băng – “Rosh Mann, những khoảng khắc: 1985 – 2002”.
Mặc dù vô cùng hoang mang sợ hãi, nhưng tôi vẫn cố gắng thu hết dũng khí để đứng dậy, rút cuộn băng cũ ra khỏi khe đầu chạy VHS, rồi cắm cuộn băng mới vào trong đó. Dù là bị thôi thúc bởi sự tò mò của một kẻ ngu ngốc, hay là bởi khát vọng phải tìm ra sự thật của một kẻ vừa nhận ra cả cuộc đời mình chỉ là giả dối, thì tôi vẫn đưa ra quyết định rằng bản thân cần phải xem thêm một cuộc băng khác trong chiếc hộp các-tông kia.
Những hình ảnh bắt đầu lần lượt hiện lên trên màn hình TV, gần như giống hệt những hình ảnh mà tôi đã xem vài tiếng trước. Khác biệt dễ nhận ra nhất, chính là việc chú chó Doug hoàn toàn không hề xuất hiện trong bất kỳ đoạn phim nào, đúng như “ký ức tuổi thơ” mà tôi vẫn nhớ.
Tuy nhiên, đổi lại tôi cũng nhận ra một số điểm “kỳ quặc” hoàn toàn không giống trong ký ức của bản thân, ví dụ như việc ông nội tôi đã qua đời vào năm 1999 thay vì năm 1993, hay việc chiếc xe hơi đầu tiên của tôi chuyển từ màu đen sang màu đỏ tối.
Cho đến khi thời gian nơi góc màn hình hiển thị một buổi tối ngày 15/11/2002.
Đó là một buổi tiệc được tổ chức tại nhà của ai đó mà tôi không còn nhớ rõ – không nhớ rõ, có lẽ bởi bản thân đã uống hơi nhiều rượu bia dù cho chưa đủ tuổi, hay bởi đó là buổi tối mà tôi đã tỏ tình thất bại với “bạn gái trong mơ” khi ấy của mình. Nhưng, dù bởi gì đi nữa, thì tối hôm ấy tôi cũng đã rời khỏi buổi tiệc trong cô độc, đóng vai một chàng thanh niên mới lớn thất tình đang lảo đảo bước trên con đường trở về nhà.
Nửa đêm, ánh đèn đường yếu ớt chiếu rọi xuống con phố đã hiếm bóng người – hẳn nhiên, ngoại trừ bản thân tôi cùng kẻ đang ghi lại đoạn phim này. Cũng giống đoạn phim đầy ám ảnh kia, kẻ đó cầm máy quay lặng lẽ bám theo phía sau tôi mà tôi chẳng hề hay biết, tựa như một con thú săn mồi đang kiên nhẫn bám theo phía sau con mồi định sẵn.
Tôi băng qua con phố vắng, tiến vào một hẻm nhỏ không có đèn chiếu sáng, hòng rút ngắn năm phút trên con đường trở về nhà. Nhưng, tôi đã chẳng thể thuận lợi băng qua con hẻm như những gì vốn nên xảy ra trong ký ức mà bản thân còn nhớ, bởi từ trong bóng tối chợt xuất hiện một bóng người chắn trước mặt “tôi kia”.
Kẻ quay phim cũng dừng bước. Khoảng cách mà hắn ta đứng, đủ gần để tôi có thể quan sát tương đối rõ ràng những gì đang xảy ra trong con hẻm nhỏ, nhưng cũng đủ xa để tôi chẳng thể nghe được bất kỳ âm thanh nào.
Dù vậy, có thể quan sát những gì đang xảy ra cũng đã là quá đủ. Trong thực tại đó, bóng người kia chợt rút ra một khẩu súng ngắn chĩa về phía tôi, còn tôi thì phản ứng bằng cách lập tức giơ hai tay lên ra hiệu đầu hàng rồi chẳng hề cử động thêm gì nữa.
Có lẽ, bóng người kia chỉ đơn giản là một kẻ nghiện ngập đang cố gắng gom đủ số tiền cho lần đê mê tiếp theo. Hoặc cũng có lẽ hắn đang kiếm tìm điều gì đó bệnh hoạn hơn. Nhưng, tôi hoàn toàn chắc chắn một điều rằng, vào lúc này đây “tôi kia” đã hoàn toàn đông cứng trong sợ hãi, và không nghe theo lời ra lệnh của kẻ đang chĩa súng về phía bản thân.
Bởi ngay sau đó, một tiếng vang vọng lại từ đằng xa đã phá vỡ sự yên lặng của đoạn phim, dù chỉ trong tích tắc vô cùng ngắn ngủi. Bóng đen kia dường như tỏ ra bối rối trước khi lần nữa biến mất trong con hẻm nhỏ, còn tôi thì chậm rãi khụy xuống nền đá vỉa hè.
Kẻ quay phim lần nữa di chuyển, bước ra từng bước chậm rãi tiến về phía con hẻm nhỏ.
Hình ảnh dần dần trở nên rõ ràng. Tôi nằm đó trên nền đá, hai bàn tay ôm lấy cổ, cố gắng ngăn cho từng tia máu đỏ tươi không tiếp tục phun mạnh ra nhuộm đỏ cả một mảng vỉa hè.
Từng giây trôi qua, trên con phố nhỏ vẫn không hề xuất hiện bất kỳ một người nào khác. Nơi đây, hoặc được bao quanh bởi hàng chục căn nhà bỏ hoang chẳng ai sinh sống, hoặc là chốn che mưa che nắng cho những cư dân đã quá quen với tiếng súng chợt vang lên bất kỳ thời điểm nào đó trong ngày, để cho họ chẳng còn bị thu hút bởi thứ âm thanh của Thần Chết kia nữa.
Tôi nằm đó, đơn độc, hai bàn tay cố gắng ngăn không cho sinh mệnh của bản thân tiếp tục trôi đi.
Rồi chợt, tôi duỗi thẳng tay phải của mình về phía bầu trời, trong khi tay trái vẫn ôm lấy cổ. Tôi dồn sức nhướn người lên, miệng há ra như muốn nói điều gì đó nhưng chỉ có thể phát ra thứ âm thanh ngắt quãng của một kẻ đang mắc nghẹn, đường hô hấp bị vật lạ chặn lại khiến cho ngay cả kêu cứu thôi cũng trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Quả thật, hình ảnh của tôi khi đó rất giống với một người đang mắc nghẹn, nhưng thay vì dị vật thì đường hô hấp của tôi đang bị chặn lại bởi dòng máu đang phun ra từ vết thương trên cổ. Nói một cách hình tượng, dù không chết vì mất máu, thì tôi cũng sẽ tử vong vì chết đuối trong máu của chính bản thân mình.
Trong mắt tôi, ánh sáng đã mờ dần, thay thế vào đó là bóng đen của sự tuyệt vọng. Nhưng, đến giây phút cuối cùng, thì đôi mắt ấy vẫn kiên định nhìn về một điểm duy nhất, một cọng rơm cứu mạng do Chúa Trời thả xuống mà cánh tay phải duỗi ra muốn bắt lấy mà sao lại chẳng thể chạm vào.
Không, tôi đang nhìn vào mắt chính tôi.
Tôi đang nằm trên mặt đất, nhìn vào trong mắt tôi đang ngồi trên chiếc ghế này.
Kẻ quay phim bình tĩnh đứng đó, chứng kiến sự sống theo dòng máu nóng dần rời xa cơ thể của tôi, để cuối cùng chỉ lưu lại một cái xác không hồn nằm trên nền đá vỉa hè lạnh lẽo.
Vào một đêm năm 2002, cuộc đời tôi đã kết thúc trong con hẻm nhỏ vắng bóng người…

Mỗi lần tôi thay một cuộn băng mới, điều tương tự lại hiện ra trên màn hình.
Mỗi lần, đều có một vài chi tiết nhỏ bị thay đổi, những chi tiết nhỏ hoàn toàn không hề có trong ký ức của tôi nhưng vẫn cứ hiện ra như thể chúng mới là sự thực, còn những gì mà bản thân tôi nhớ chỉ là ảo tưởng mà thôi.
Nhưng, dù thay bao nhiêu cuộn băng đi chăng nữa, thì hình ảnh cuối cùng mà tôi quan sát được vào khoảnh khắc ngay trước khi nội dung của chúng kết thúc lại đều chính là cái chết của chính tôi.
Ngày 29/09/2004, tôi chết đuối sau khi lái xe lao xuống sông. Cửa xe không thể mở ra dù cho nước vẫn nhanh chóng tràn vào, và tôi dù cố gắng thế nào cũng chẳng thể phá vỡ được những tấm kính trên xe trước khi quá muộn.
Ngày 13/01/2005, tôi không may ngã xuống một vách đá thấp khi đang một mình leo núi trong khu rừng bên ngoài thị trấn. Cú ngã ấy đã khiến tôi bị gãy cả hai chân, một mảnh xương nhọn đâm xuyên ra ngoài, đồng thời cắt đứt động mạch nào đó khiến tôi không thể cầm máu được. Chỉ bằng đôi tay còn lành lặn, tôi đã cố gắng kéo lê thân mình suốt gần một tiếng qua phiến rừng hoang hòng tìm kiếm người cứu giúp, cho đến tận lúc lịm đi vì mất máu quá nhiều.
Năm cái chết khác nhau, đều được ghi lại bởi một kẻ xa lạ.
Một kẻ xa lạ, vào cái ngày định mệnh kia luôn yên lặng đi theo đằng sau tôi như thể đã biết trước điều gì đó, rồi tiếp tục yên lặng đứng đó mà quan sát những giây phút cuối cùng của tôi mà chẳng hề để lộ ra bất kỳ cảm xúc nào dù là nhỏ nhất.
Tựa hồ trong mắt hắn, những điều xảy ra đều là sự thật tất nhiên…
Mặc dù cả đêm chưa chợp mắt chút nào, nhưng đầu óc tôi vẫn vô cùng tỉnh táo.
Rút “Rosh Mann, những khoảng khắc: 1985 – 2003” ra khỏi đầu chạy VHS, tôi tống toàn bộ những cuộn băng đó vào chiếc hộp các-tông, rồi mang chúng trở lại nhà cha mẹ của mình. Tôi phải nói chuyện với họ, phải tìm ra câu trả lời cho cái trò chơi khăm điên rồ này…
Cha tôi nhìn lướt qua những cuộn băng, và khẳng định rằng bản thân hoàn toàn chưa bao giờ thấy chúng. Dù sao đi nữa, hơn 10 năm cũng là khoảng thời gian đủ dài để ông chuyển toàn bộ những đoạn phim kỷ niệm ghi lại trên băng VHS sang định dạng kỹ thuật số, lưu chúng vào một chiếc ổ cứng di động mới cứng hiện đang cất giữ an toàn trong két sắt chống cháy.
Nội dung ghi lại trong chiếc ổ cứng di động đó là những đoạn phim ghi lại từng khoảnh khắc thời niên thiếu của tôi, giống hệt như hình ảnh hiện có trong ký ức, hoàn toàn không khác biệt, và tất nhiên cũng không hề kết thúc bằng một cái chết kinh khủng của chính bản thân tôi.
Cha tôi cũng nói rằng, chiếc hộp các-tông kia hẳn mới gần đây được chuyển xuống tầng hầm bởi một người nào đó – mới năm trước thôi, khi tôi đang công tác nước ngoài, thì một trận mưa lớn đã khiến cho tầng hầm căn nhà này bị ngập, đa phần những đồ vật được cất giữ tại đây đều bị phá hủy do ngâm nước lâu ngày.
Và người đặt chiếc hộp các-tông kia vào trong tầng hầm mới sửa, tất nhiên không phải cha mẹ tôi.
Sau cuộc đối thoại đó, bản năng của tôi mách bảo rằng mình phải lập tức ném những cuộn băng quái quỷ này đi, quẳng chúng vào trong lò thiêu và cố gắng quên đi tất cả những hình ảnh điên rồ mà bản thân đã phải xem trong đêm trước hôm trước. Nhưng, cuối cùng thì lý trí của tôi cũng chiến thắng, tôi quyết định giữ lại những cuộn băng đó làm bằng chứng, và trình báo chuyện này với cảnh sát.
Tôi muốn biết ai là kẻ đã làm ra những cuộn băng này, và quan trọng hơn, là bằng cách nào?
Ngồi trên xe, tôi bất giác đưa tay vào trong chiếc hộp các-tông, lấy ra từng cuộn băng và kiểm tra tiêu đề của chúng. Tất cả những cuộn băng đó, đều có chung một điểm bắt đầu là năm 1985, và kết thúc vào một thời điểm nhất định trong quá khứ.
Ngoại trừ một cuộn băng cuối cùng…
“Rosh Mann, những khoảng khắc: 1985 – 2020”
Cầm cuộn băng đó, cơ thể tôi lần nữa như đông cứng. Thật kỳ quái khi nhận ra trong tay mình là một cuộn băng tự nhận là ghi lại những hình ảnh xảy ra trong tương lai, nhưng điều khiến tôi thật sự kinh hãi chính là việc tôi biết rõ rằng cuộn băng đó sẽ kết thúc bằng cái chết của chính bản thân mình.
Chẳng biết qua bao lâu, trải qua nhiều lần cân nhắc, cuối cùng tôi quyết định mình cần phải biết bên trong cuộn băng này ẩn giấu điều gì. Tôi muốn nhìn thoáng qua một chút “tương lai” của bản thân, dù cho nó có kinh hoàng thế nào đi chăng nữa – từ trong đoạn phim kia, tôi có thể tìm ra được một vài chi tiết nhỏ bé mà vô cùng quan trọng, những chi tiết nhỏ có thể giúp tôi tránh được thứ “định mệnh” sẽ xảy đến với mình.
Quay trở về nhà, tôi nhét cuộn băng vào đầu chạy VHS, rồi ngồi xuống ghế và bắt đầu nhìn chằm chằm vào màn hình TV, cố gắng tìm ra bất kỳ điểm khác biệt nào dù là nhỏ nhất giữa nội dung cuộn băng và ký ức của chính bản thân. Nếu may mắn, thì cuộn băng này cũng chỉ bao gồm những đoạn phim ghi lại một “thực tại” hoàn toàn khác, một “thực tại” hoàn toàn không hề liên quan đến tôi của chính khoảnh khắc này.
Nhưng, tựa như trò chơi khăm quái gở kia vẫn còn đang tiếp diễn, tất cả những gì được ghi lại trong cuộn băng này đều trùng khớp với ký ức của tôi, như thể nó là “bản gốc” của đoạn phim được cha tôi sao lại vào chiếc ổ cứng di động vẫn đang bảo quản trong két sắt.
Theo bản năng, tôi nhấn nút Pause trên điều khiển, rồi ngồi đó nhìn chằm chằm vào hình ảnh của chính tôi trên màn hình TV. Nơi góc khung hình, chẳng biết khi nào đã hiển thị một ngày đầu tháng 12/2019.
Nếu đây chỉ là một trò chơi khăm thông minh nhưng cũng đầy ác ý, thì tôi không cần tiếp tục hành hạ bản thân thêm nữa, và nên để cho cảnh sát xử lý chuyện này như dự định ban đầu.
Nếu đây chính là những gì mà “định mệnh” đã an bài từ trước, thì liệu một kẻ tầm thường như tôi có thể thay đổi được nó hay sao? Biết trước, thì lại có lợi ích gì?
Những câu hỏi vẫn cứ quanh quẩn trong đầu tôi. Một ngày trước, có lẽ tôi sẽ đưa ra câu trả lời lý trí hơn cho những câu hỏi đó. Nhưng giờ phút này, ham muốn được biết đã chiến thắng hết thảy bất kỳ lập luận logic nào khác, điều khiển ngón tay tôi lần nữa nhấn nút Play...
Ngày 17/12/2019.
Trên màn hình TV, hiện lên khung cảnh một căn phòng bệnh viện lạnh lẽo, vây kín bởi bốn bức tường màu trắng xám. Tôi ngồi trong căn phòng đó, nắm lấy tay mẹ tôi, người đang nằm bất tỉnh trên giường bệnh. Phía bên kia chiếc giường, một vị bác sĩ lên tiếng an ủi, nói với tôi rằng bà ấy đã qua đời trong thanh thản, hoàn toàn không trải qua bất kỳ đau đớn nào.
Từ đầu tới cuối, không ai trong căn phòng đề cập đến nguyên nhân vì sao mà mẹ tôi lại đột ngột qua đời.
Và từ đầu tới cuối, dường như không ai trong căn phòng nhận thấy có một kẻ đang cầm máy quay đứng đó, yên lặng ghi lại khoảnh khắc này.
Đoạn phim trong phòng bệnh chợt kết thúc, màn hình chuyển đen khoảng chừng một phút trước khi “trình chiếu” đoạn phim cuối cùng được ghi lại trên cuộn băng này.
Ngày 24/01/2020.
Trên màn hình, tôi chứng kiến bản thân đang ngồi bên mép giường trong một căn phòng xa lạ, cách bài trí vô cùng đơn giản khiến tôi liên tưởng đến những căn phòng nhà nghỉ tồi tàn được dựng lên dọc theo những con đường quốc lộ cắt qua xa mạc hoang vu. Tôi ngồi đó, hai tay thõng xuống kẹp giữa đùi, vẻ hoảng loạn hiện rõ trên khuôn mặt, dường như chẳng quan tâm đến sự tồn tại của gã quay phim chỉ đứng cách bản thân chưa đầy một mét.
Vài phút tiếp theo, tôi vẫn cứ ngồi nguyên đó, cúi đầu lẩm bẩm những từ ngữ tối nghĩa và đứt quãng. Gã quay phim vẫn cứ kiên nhẫn đứng đó, duy trì cái nhìn từ trên xuống, duy trì ống kính tập trung vào bóng tối giữa hai chân của tôi.
Chợt, tôi ngẩng đầu lên, phát ra âm thanh run rẩy.
“Tôi không muốn làm điều này, xin đừng bắt tôi làm điều này, tôi không muốn, tôi không muốn…”
Gã quay phim vẫn không lên tiếng, nhưng sự kinh hoàng trên khuôn mặt tôi đã nói lên tất cả. Rất rõ ràng, bất kể gã quay phim kia là ai, thì hắn cũng đang cưỡng ép tôi phải làm một điều mà tôi không muốn.
Tôi nâng hai tay lên, để lộ ra một lưỡi dao mà ngay từ đầu bản thân vẫn đang nắm chặt trong bàn tay run rẩy. Một lưỡi dao trông vô cùng bình thường, nhưng cũng đủ khả năng hoàn thành công việc mà nó sắp cần thực hiện.
“Tôi không muốn, xin đấy, đừng bắt tôi phải làm điều này”
Tôi cố gắng cầu xin lần cuối, nhưng đáp lại vẫn chỉ là sự im lặng. Rồi, giống như đã làm ra quyết định nào đó, tôi đưa mắt nhìn về lưỡi dao đang nắm trên tay, trước khi dùng nó đâm thẳng vào cổ tay bên kia một cách đầy dứt khoát. Và cũng đầy dứt khoát, tôi tiếp tục kéo lưỡi dao lên, lưu lại một đường đỏ tươi từ cổ tay trái đến tận gần khuỷu tay.
Máu nóng chảy ra, nhuộm đỏ trải giường, nhuộm đỏ sàn căn phòng bẩn thỉu.
Tôi ngồi đó, bất động, dường như chẳng hề cảm nhận được bất kỳ đau đớn, dường như đã quên đi sự tồn tại của ống kính máy quay vẫn đang chăm chú ghi lại những thời khắc cuối cùng của bản thân.
Sinh mệnh tôi dần trôi qua, cho đến khi xác chết không hồn tựa chiếc bao tải rách gục xuống sàn nhà.
Trong căn phòng nhà nghỉ tồi tàn, một “tôi” khác đã chết vì mất máu.
Còn trong căn phòng của mình, tôi vẫn ngồi lặng yên trên ghế, cố gắng tiêu hóa những gì mà bản thân vừa chứng kiến trong đoạn phim kia.
Sau khi lấy lại bình tĩnh, việc đầu tiên tôi làm là lập tức mang theo chiếc hộp các-tông đựng những cuộn băng đến đồn cảnh sát. Ban đầu, họ tỏ ra nghi ngờ những gì tôi nói, cho đến khi chính bản thân họ được xem qua nội dung của những cuộn băng kia.
Hẳn nhiên, với tư cách những con người tỉnh táo, họ giải thích với tôi rằng những đoạn phim kia đã bị một kẻ ác ý nào đó chỉnh sửa lại. Dẫu vậy, họ vẫn khẳng định sẽ điều tra một cách nghiêm túc sự việc này như một sự đe dọa đến tính mạng của tôi, và rằng họ sẽ bảo đảm an toàn cho tôi đến khi đưa được thủ phạm ra ánh sáng.
Nhưng, thế lại có ý nghĩa gì khi cả cảnh sát và tôi đều không hề có trong tay bất kỳ manh mối nào về danh tính chủ nhân những cuộn băng đáng sợ kia? Dù sao đi nữa, cảnh sát chẳng thể cử người bảo vệ cho tôi 24/7, bởi đến cuối cùng thì tôi vẫn chỉ là một kẻ tầm thường trong cái xã hội này mà thôi!
Sau khi trở về nhà từ đồn cảnh sát, tôi lập tức kiểm tra và khóa lại toàn bộ cửa ra vào cũng như cửa sổ, rồi kéo kín toàn bộ rèm lại nhằm đảm bảo không một kẻ nào có thể nhìn vào được bên trong. Xong hết thảy, tôi ngồi xuống ghế, nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại trên bàn, chờ đợi cảnh sát gọi điện cập nhật tình hình điều tra.
Dù cho bản thân tôi cũng hiểu rõ rằng, để thu được thông tin hữu ích thì cảnh sát cần phải bỏ ra nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần điều tra chứ chẳng phải vài giờ ngắn ngủi.
Tôi đã từng hi vọng rằng, những đoạn phim trong cuộn băng cuối cùng kia cũng chỉ là ghi lại hình ảnh của một thực tại hoàn toàn khác. Hoặc giả, giống như cảnh sát nói, đây đơn giản chỉ là trò chơi khăm tinh vi của một kẻ bệnh hoạn nào đó, bởi tương lai không phải là thứ mà con người có thể biết trước.
Nhưng, một cuộc điện thoại vào nửa tiếng trước đã hoàn toàn phá tan những hi vọng ấy.
Nửa tiếng trước, cha tôi gọi điện cho tôi. Bằng giọng đầy lo lắng, ông nói với tôi rằng mẹ tôi vừa bất ngờ gục trong phòng tắm, và rằng ông đang trên xe cấp cứu đưa bà đến bệnh viện. Mặc dù vậy, cha tôi vẫn cố gắng trấn an tôi, nói rằng chuyện này cũng không quá nghiêm trọng, và rằng mẹ tôi sẽ sớm khỏe lại sau khi được điều trị...
Nhưng, hơn ai hết, tôi biết rằng chỉ vài tuần nữa thôi, mẹ tôi sẽ qua đời trên giường bệnh, trong một căn phòng bệnh viện trắng xám lạnh lẽo.
Và rồi, rất nhanh sau đó, sẽ đến lượt tôi…
Nguyên An