Phải một hồi lâu thì mắt tôi mới quen với bóng tối, trong căn phòng của chính mình. Đôi khi, là những thứ lạ lẫm, dẫu tôi biết chắc chắn rằng vị trí từng đồ đạc trong căn phòng mình được bày trí, xếp đặt như thế nào. Ngay khi chuyển về khu cư xá cũ kỹ, chật hẹp này tôi đã nghĩ ngay tới chuyện đó, đơn giản càng tốt. Nhưng trong bóng tối, mọi thứ dường như đánh lừa thị giác của tôi. Tôi nghĩ nó đã đạt được mục đích của mình, và nó đã chi phối tôi theo những cách tồi tệ nhất có thể!
Những hình khối lần lượt hiện ra, như trong màn sương, tan đi nhưng vẫn để lại dấu vết đặc trưng của sự huyền hoặc. Có thể do tôi đã đi quá xa trong trí tưởng tượng của mình. Có thể tôi đang cố hình tượng hóa lên từ những thứ bình thường!
Tôi mông lung nghĩ ngợi, trong những ẩn hiện không rõ hình khối, điều duy nhất tôi làm được đó là suy nghĩ. Chỉ suy nghĩ mà thôi, chẳng gì khác.
Tiếng trở mình của T khiến tôi quay về với thực tại, không giống như trong một giấc mơ, là hiện thực. T trở mình, hơi thở khe khẽ, người thì nồng nặc mùi rượu.
Tôi nghĩ mình cần uống một chút nước lạnh. Tôi từ từ xoay mình, rồi ngồi dậy, đi về phía tủ lạnh rót ra một chút nước. Lần trước Huy nói cái gì đó về chiếc tủ lạnh này. Tôi cố nghĩ, nhưng rốt cuộc chẳng nghĩ nổi. Chỉ biết rằng, từ ngày có nó cuộc sống của tôi trở nên dễ dàng hơn, ít ra là trong đợt nắng nóng cao điểm này, không có gì tuyệt vời hơn là có một chiếc tủ lạnh trong nhà. Chỉ cần chiếc tủ lạnh thôi.
Sau đó, tôi mang theo chiếc cốc đi sang bên bàn học của mình, bật sáng đèn và bắt đầu viết, những khi không ngủ được, sực tỉnh giữa đêm khuya sau cơn mộng mị. Tôi bắt đầu viết, viết về nhà, viết về vùng bình nguyên xào xạc quê nhà, viết về những cây bạch đàn, lũ chim sẻ, và… thậm chí viết về những thứ đang xảy ra trong mơ, cả về T.
T trở mình lần nữa, lần này từ trong miệng T ê a phát ra câu nào đó, chẳng rõ tiếng. Có lẽ T đang mơ. Những giấc mơ xáo trộn, đôi khi chẳng đâu vào với đâu.
Đôi khi chẳng đâu vào đâu cả!
Chị gái đã từng nói với tôi như thế, những giấc mơ sau cùng chẳng mang lại lợi ích gì ngoài sự mệt mỏi xâm chiếm từ trong ra ngoài, từ trong tâm trí bộc lộ ra bên ngoài, ý chị tôi là thế. Vả lại chị cũng không thích những người hay mơ. Cả tôi và mẹ thường hay kể về những giấc mơ của mình, những khi không kể được thì chúng tôi lại nghĩ, nghĩ cả ngày.
Chốc chốc tôi quay lại nhìn T rồi nhìn về phía ô cửa sổ, trước cái bàn học, trời hẵng còn tối, mà tôi tạm thời chẳng viết được gì, trang giấy trống trơn đặt trước mặt mình. Tôi liền nghĩ ngay tới những giai điệu. The Beatles. Cả tôi và Huy đều thích những giai điệu của The Beatles, nào là Strawberry fields forever, Don’t let me down, Let it be, Back to U. S. S. R… nhiều lúc tôi nghĩ có thể gu âm nhạc giống nhau đã đưa tôi bước vào trong thế giới vô cùng bận rộn của Huy, như bao nhiêu người khác, trên thế giới đảo điên này. Nhưng khi nghĩ về âm nhạc, khi ấy, tôi nghĩ chúng tôi tạm gác lại thế giới bên ngoài và suy nghĩ về đời mình.
Giá như giờ đây tôi có thể nghe một đĩa nhạc từ chiếc máy chạy đĩa hãng sony đã cũ của Nhật. Huy là dân kỹ thuật nên chẳng khó gì chuyện anh ấy có thể kiếm một chiếc máy hát cổ như thế. Lần trước khi tôi mang chiếc máy hát về thì bà hàng xóm nhìn tôi với ánh mắt trầm trồ, tôi không biết tâm trạng của bà ấy có giống như những gì đang biểu lộ bên ngoài gương mặt luôn dửng dưng đó hay không? Nhưng tôi nghĩ, nó là thật, với những người như bà. Người đàn bà luôn giam mình trong căn phòng xem ti vi mà chẳng để ý tới chuyện gì, chuyện ông chồng say sưa tối ngày, chuyện cô con gái làm nghề MC nổi tiếng cho một kênh truyền hình quốc gia, cũng đi tối ngày. Lần đó, khi gặp tôi bà cũng nói, từ tháng Ba năm ngoái cô con gái chuyển ra sống ở một chung cư mini, với lý do để tiện cho công việc. Đó là một lựa chọn sáng suốt.
Ngày trước còn ở nhà, chị gái cũng có một chiếc máy hát, chị thường bật những ca khúc mang tính chất cổ điển, nhưng khá sôi động, chị nói một thể loại rock cổ điển. Mỗi lần vẽ xong một bức tranh, chị thường nghe những giai điệu đó, tôi cũng chẳng biết những bức tranh đó vẽ trông ra sao, những đĩa hát trông thế nào, chỉ biết sau này rời bỏ thị trấn về thành phố, lúc xông vào phòng chị tôi chẳng thấy gì cả, chỉ còn những vệt sơn loang lại trên một góc sàn nhà, chỗ chị hay vẽ.

Hai hôm sau, tôi gặp lại T trong khuôn viên trường đại học. Hôm đó, sau khi nghĩ về âm nhạc tôi ngủ gục trên chiếc bàn, trong mơ tôi thấy mình đang viết, ngồi viết trên một cánh đồng rộng lớn. Sau này tôi cũng viết khá nhiều về những cánh đồng đó.
“Hôm đó, thấy cậu đang ngủ nên mình về trước. Mình không muốn đánh thức cậu dậy. ” T nói.
“Có chuyện gì vậy T?”. Tôi hỏi.
“Mấy ông bạn trong đội nhảy rủ mình đi nhậu, mình chẳng thể từ chối, hôm đó có lẽ mình hơi quá chén, hầu như sau đó mình chẳng nhớ được gì”.
“Cậu đã làm cách nào?” T hỏi lại, tôi hơi ngạc nhiên. Khi ấy, tôi cười.
T có vẻ bối rối, lần nào cũng thế.
“Không bằng cách nào cả. Chỉ là mình thấy cậu xuất hiện ngày trước cửa nhà mình trong bộ dạng đó, ban đầu mình hơi ngạc nhiên thật nhưng dường như cậu không còn trụ vững được trên hai chân của mình. . . nên mình đưa cậu vào trong”.
“Vậy. . . ” Tôi giơ tay lên ngăn T lại.
“Hôm đó Huy không về, anh bận trực đêm ở công ty hay gì đó. Mình chẳng để ý, nên mình cho cậu ngủ lại luôn”.
“Mình không phiền gì chứ, ý mình là. . . ”
Tôi lắc đầu.
T thở nhẹ một cái. Lần đó, tôi cảm giác như mình có thể nhìn sâu vào trong ánh mắt của T.
Chúng tôi học khác trường đại học, để về được nhà mình T cần phải qua trường đại học của tôi, khu cư xá của tôi nên lần nào T cũng qua chở tôi về. Vài lần T còn chở tôi qua những khu chợ đầu mối, T nói mua thực phẩm ở đó rẻ hơn những chợ tạm trong ngõ. Tôi hỏi T có mua gì cho mẹ không, nhưng T lắc đầu. Tôi lượm nhanh vài thứ, vì tôi nghĩ chỉ ngần này đồ thôi cũng đủ để chất đầy cái tủ lạnh mini của chúng tôi rồi. T biết cái tủ lạnh đó. Tôi nói, mọi thứ đều do Huy những đồ đạc liên quan tới máy móc, điện, mạnh dẫn các thứ, đều do Huy. Có lần Huy nói rằng, quan trọng nhất là phải kiếm được cho mình một cái tủ lạnh, Huy nói lớn lên như một biểu tượng vậy, cái này Huy có kể cho tôi nghe khi đọc về một truyện ngắn của Carver, sau này trong bài tiểu luận về văn chương Mỹ đương đại tôi mới biết Carver, khi đó đã trở thành một bậc thầy.
Tôi không biết thứ mà T đang theo học ở trường đại học là gì, nhưng rõ ràng T thích nhảy nhót, hơn mọi thứ đang có trong cuộc sống của T.
“Như là đời mình vậy”.
T nói, tôi thật sự không hiểu T lại miêu tả như vậy. Nhưng cũng xứng với những gì mình dành thời gian ra để làm nó, theo đuổi.
“Đại khái như mỗi lần khi giai điệu cất lên, chúng mình bắt đầu nhún nhảy theo, như cuộc đời, lúc thăng trầm, buồn vui, có khi không biết mình, có khi là cái chết. . . Nhiều khi mình cảm giác như nhảy. . . giống việc mình sống một cuộc đời”.
Lần đó, T đã dẫn tôi tới câu lạc bộ của cậu. Toàn người xa lạ, tôi có cảm giác như mình đang lạc vào một khu phố lạ lầm nhiều ngõ ngách và tôi chẳng biết đi đường nào. Điều quan trọng nhất khi đó, là tôi để ý tới T ngay từ khi cậu nhún nhảy những bước đầu tiên, di chuyển cánh tay, rồi cả thân thể chuyển động nhịp nhàng theo điệu nhạc. Khi đó, tôi nghĩ tất cả những thứ này thuộc về T.
Tháng Tám, chị gái tôi tổ chức một buổi triển lãm trong thành phố. Tôi đọc được tin tức đó trên báo chí. Tôi không mấy ngạc nhiên, dù đó là buổi triển làm đầu tiên trong đời chị.
Hôm đó, tôi bảo T:
“Bận gì không?”
T lắc đầu.
“Vậy mình xem triển lãm một chút”.
T gật đồng ý.
Dịu dàng. Đó là chủ đề của buổi triển lãm. Chị tôi đứng trên bục, xung quanh là các chuyên gia, phóng viên, nhà nghiên cứu gì đấy. . . Hôm đó, chị tôi trang điểm khá xinh, tôi không nghĩ sau bao năm chị vẫn giữ mái tóc rối nùi vì cháy nắng đó, nhưng lần này tôi thấy nó được tạo với một phong cách khác, nhưng rất hợp với gương mặt của chị. Chị nói, chị cười, chị chép miệng, chị. . . Tôi không muốn nghĩ nữa, khi chúng tôi không một chút liên quan trong khoảng thời gian dài.
“Phát biểu hay đấy”.
“Ừ”.
Sau đó, T chở tôi về nhà. Chúng tôi hầu như không nói với nhau câu nào từ khi rời khỏi phòng triển lãm.
“Sao nãy cậu không qua chào chị một tiếng”. T nói với tôi.
“Vì chẳng mang ý nghĩa gì”
“Tại sao?”
“Mình chẳng biết”.
“Cậu có nghĩ chị thấy bọn mình không?”
Tôi không nói.
“Mà thấy thì cũng chẳng để làm gì”
Tháng Chín trời mưa triền miên. Một buổi chiều khi xách đồ ăn lên phòng, tôi thấy vài người đứng trước cửa nhà bà lão, trông họ giống như nhân viên giao hàng.
“Chào cậu trẻ”. Bà lão nói với tôi.
“Chào bác. Có chuyện gì đấy bác”.
Bà lão cười lấy lệ.
“À. . . con gái tôi lần trước về nó bảo sẽ sắm cho tôi cái ti vi mới, nhưng mãi tới hôm nay mới chuyển được, cậu biết đấy, công việc của nó bận rộn thế cơ mà, nhưng dẫu sao vẫn được. Tôi nghĩ, mọi thứ sẽ ổn hơn”.
Tôi mỉm cười.
“Cậu có vào coi thử không?” Bà lão đề nghị, nhưng tôi lắc đầu.
“Để lần sau, giờ cháu còn vài việc chưa làm”.
Bà lão cười lần nữa.
“Tôi nghĩ nên bảo anh trai cậu sắm thêm cái ti vi, cho đỡ buồn”.
Tôi mỉm cười lấy lệ rồi đi thẳng vào trong phòng.
Tôi kéo cánh cửa, đóng lại, theo đó sự mệt mỏi bao trùm lấy thân thể tôi. Tôi chẳng muốn gì nữa, ngay lúc này. Sau đó, tôi thiếp đi, chìm đắm trong cơn mộng mị của chính mình.
Tối hôm đó, Huy về người phảng phất mùi rượu. Huy không đánh thứ tôi mà vào trong nhà tắm, tiếng dội nước của Huy làm tôi tỉnh giấc.
“Anh về lúc nào thế Huy?”
“Vừa nãy thôi”. Huy tắt nước và nói.
“Giờ em đi nấu ăn”.
Tiếng xả nước vang lên. Tôi bắt đầu lau dọn mọi thứ trên bệ bếp, tôi cho rau xuống chậu, xả nước. Tôi trút chỗ thịt đã thái sẵn vào chảo, tiếng xèo xèo vang lên hòa lẫn vào trong tiếng xả nước. Bên nhà bên tôi dễ dàng nghe thấy tiếng bà lão cười sảng khoái khi đang xem một chương trình hài kịch từ chiếc ti vi mới mà cô con gái làm MC mới sắm cho.
Huy tắm xong, ngồi đọc sách một lát thì tôi bắt đầu dọn cơm ra. Thông thường thì đi ngủ tôi mới tắm, còn Huy thì khác, Huy ngủ rất sớm, sau khi ăn cơm xong, Huy nghe một vài bản nhạc, đọc một vài trang sách là ngủ ngay.
“Bà lão nhà bên bật ti vi to quá”. Huy vừa ăn, vừa nói tỏ vẻ phàn nàn.
“Nghe đâu bà lão được cô con gái mua cho cái ti vi mới”. Tôi đáp lời Huy.
“Thế ông lão về chưa?” Huy hỏi, ý Huy là chồng của bà lão.
“Chắc còn khuya mới về”
“Công việc dạo này của anh thế nào Huy”.
“Vẫn như thường như mọi, nhưng hơi bận đôi chút”
“Anh có mua hộ em vài đĩa nhạc mới không đấy”.
“Anh để ở trong cái cặp tí em lấy ra”
Tôi mỉm cười cảm ơn.
“Sao lần này lại mấy đĩa nhạc sôi động thế?”
Tôi ngập ngừng:
“À. . . em cần nghe qua vài thứ, đại khái như nghiên cứu thôi”.
Huy ra vẻ khó hiểu nhưng không nói gì nữa. Ăn cơm xong Huy đặt một chiếc đĩa của The Beatles vào trong cái máy hát, từng giai điệu nhẹ nhàng từ ca khúc “Nàng Jude” vang lên khắp gian phòng bé nhỏ.
“Jude này, đừng khiến cho mọi điều trở nên tồi tệ như thế nữa,
Hãy lấy một bài hát buồn và làm cho nó trở nên nhẹ vơi hơn
Đừng quên dùng trái tim để tiếp nhận những điều đó,
Thì mọi thứ bắt đầu sẽ chuyển biến theo hướng tốt đẹp hơn rồi đó.
Jude này, đừng e sợ điều gì nữa con nhé,
Con được sinh ra với lòng can đảm vượt qua mọi thứ
Giây phút con đem nó đặt ở sâu thẳm con tim
Thì con đã làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn rồi
Tháng Mười, tôi hầu như không gặp T, trong trường đại học của cậu, trong trường đại học của tôi. T nói, bận một vài dự án với câu lạc bộ nhảy. Tôi chưa bao giờ thuộc về nơi đó, nên không thể trách T được. Không thể ép buộc T, vì tôi chưa là gì khi đứng bên dưới bầu trời đó. Như đám bụi khí bay lơ lửng, vô định trong không gian, cũng có thể là một khoảng cách rất xa, mà dẫu tôi có chạm tới gần, ngay cả trong những giấc mơ, nhưng khi vừa chạm tới thì mọi thứ lại xa dần, xa dần như đang trêu ngươi tôi vậy.
Tôi chỉ có thể nhớ về cơn mưa, cơn mưa từ phố Núi Trúc kéo dài tới tận Nguyễn Phong Sắc. Lần đó, tôi đã nghĩ cơn mưa có thể kéo dài thêm chút nữa, để có thêm thời gian, để tôi bắt đầu học cách lắng nghe. Ngày trước, chị tôi bảo, tôi và mẹ không biết học cách lắng nghe, tôi cũng không biết đó có phải là lý do chị bỏ nhà đi biệt tăm từ đó, rồi khi trở về chị đã trở thành một con người hoàn toàn khác, tôi cũng không biết nốt còn bao nhiêu phần ngày xưa trong chị nữa.
Huy cũng bắt đầu về muộn hơn thường lệ, anh nói, gần cuối năm công việc ở công ty bận rộn hơn thường lệ. Có khi anh về muộn, tôi thấy anh say bí tỉ, khác với T lần trước anh nói tửu lượng anh khá lắm. Người ướt đẫm mồ hôi và nồng nặc mùi rượu. Tôi cởi tất cho Huy. Cởi áo lau mồ hôi. Đặt anh ngay ngắn trở lại trên giường. Huy mê man tận sáng vẫn chưa thể tỉnh.
Mặt giấy trắng phau đặt trước mặt mình, tôi bắt đầu đặt bút viết.
“Tôi rất thích nhìn ánh mắt đó vào mùa đông, như cái cách mà Watanabe thích nhìn sâu vào trong ánh mắt Naoko. Tại sao là mùa đông? Tôi chẳng biết mình đang nghĩ gì nữa. Có thể đó là cả một thế giới mà mình cần khám phá, như những nhà thám hiểm, nhưng tôi không phải là một nhà thám hiểm, tôi chỉ là người bình thường, người bình thường có thể trở thành nhà thám hiểm được không. Tôi chẳng biết nhưng dễ dàng nhận thấy ai cũng bắt đầu tự cho mình là ngu ngốc khi đắm chìm vào những thứ không đâu, hư vô, không nắm bắt được”
Tháng Mười Hai, tôi gặp T trong khuôn viên trường đại học, trông T gầy hơn nhiều. Ngày hôm đó, T mặc một chiếc áo kaki màu vàng nhạt, bên trong là chiếc áo len màu xám, chân đi giày hiệu Nike. Tất cả tạo nên một hình khối chỉnh chu và hoàn hảo tới lạ thường.
“Đang đọc gì thế?” T hỏi tôi.
Tôi đáp lời.
“Dostoevsky. ” Như mọi lần. Luôn là Dos.
T cười khẩy rồi ngồi xuống bên cạnh tôi.
“Cậu đã đi đâu vậy T?” Tôi hỏi T.
“Ở thế giới khác”. T mỉm cười.
Tôi không nói gì nữa, sau đó quay trở lại với cuốn sách của mình, nhưng điều đó chẳng dễ gì. Sau câu nói đó, có vẻ T đắc ý.
Chiều hôm đó, T trở tôi về nhà.
“Tầng mấy thế?”
“Tầng 5”.
“Không có thang máy sao?”
Tôi chỉ cười.
Chúng tôi lên phòng. T ngồi ở bên giường ngắm nghía mọi thứ một lượt với ánh mắt đăm chiêu.
“Mọi thứ có khác không? Ý mình là sau lần đó”
“Không có gì khác cả ngoài đống thùng đựng sách cũ của Huy và cái kệ mới để đĩa nhạc cùng với một vài đĩa nhạc mới mà mình bảo Huy mua, điều khác ở đây là nó không giống như bất cứ đĩa nhạc nào mà mình và Huy đã từng nghe trước đó”.
Sau đó T chăm chú nhìn vào một bức họa của Monet trên tường.
“Cậu không vẽ nữa sao K?” – T hỏi.
“Có chị mình rồi. Mà mình thì không vẽ đẹp bằng chị mình được. ”
“Ý mình là cậu có thể làm hơn những gì mà chị cậu đã từng làm, mình tin cậu làm được. Vả lại, chị cậu đâu còn để ý tới gì nữa”.
Tôi đưa cho T cốc nước.
“Không phải vì chị mình đâu. Sau này mình sẽ vẽ lại thôi, giống như việc viết mình cũng đã bắt đầu lại rồi. Mình cũng không buồn để ý tới chuyện của chị đâu”.
“Cậu định không nói chuyện với chị mình tới khi nào, ít ra, hai người cũng là hai chị em ruột, ý mình là. . . ” T dừng lại.
“Mình hiểu, nhưng mình chưa sẵn sàng để làm bất cứ chuyện gì cả. Mình nghĩ mình cần có thời gian”.
T chỉ cười, sau đó tôi bắt đầu đi nấu cơm. T cho đĩa nhạc vào trong cái máy hát, những giai điệu lại bắt đầu cất lên. John Lennon đang say sưa hát.
Hôm đó, tôi tiễn T một đoạn, trời lạnh ngắt, khu phố về đêm trở nên yên ắng tới bất thường.
Tôi lôi từ trong cặp ra một chiếc bọc giấy, đưa cho T:
“Cái gì đây?” T ngạc nhiên hỏi.
“Quà sinh nhật”. Tôi đáp.
“Nhưng còn phải hơn ba tuần nữa mới tới sinh nhật mình mà”. T thắc mắc.
“Mình sợ khi đó không còn gặp cậu nữa”. Tôi nói.
T cầm lấy, nói cảm ơn. Sau đó, chúng tôi đi thêm một đoạn nữa.
“Dừng lại ở đây thôi”. T nói. Tôi gật đầu đồng ý. Rồi bất giác T ôm chặt lấy tôi, vài giây sau T buông tôi ra. Khi ấy, tôi cảm giác như mình đang tuột xuống một cái hố rất sâu. Ngày hôm đó, tôi nghĩ tới bóng đêm, ngay sau đó tôi cũng viết về bóng đêm. Trong màn đêm tĩnh lặng tôi chẳng nghe thấy gì, ngoài sự mênh mang, thăm thẳm đang trải rộng ra trong lòng mình. Mà cũng có thể khi ấy, với bóng đêm tôi đã hòa thành một. Không thể phân biệt được.
Sau đợt giáng sinh, Huy mang về cho chúng tôi một chiếc ti vi mới, trông anh có vẻ hào hứng với chiếc ti vi đó. Anh nói, khoảng 10 giờ tối thứ bảy hàng tuần thường phát chương trình âm nhạc cổ điển. Chúng ta có thể nghe Chopin, Haydn hay Bach chẳng hạn. Hoặc một chương trình hài độc thoại nào đó. Với chiếc tivi này, chúng ta có nhiều việc để làm hơn. Đúng là hào hứng thật. Chúng tôi sẽ có nhiều việc để làm hơn trong những ngày buồn chán như này!
Đầu tháng Một tôi gọi điện cho chị, qua số văn phòng triển lãm.
“Alo”. Một giọng nam vang lên từ đầu dây, mãi sau tôi mới mở miệng được.
“Có thể cho tôi gặp chị L được không?”
“Anh làm ơn đợi máy một chút để tôi nối máy với chị L”.
“Cảm ơn”
Một lát sau, chị tôi nhấc máy.
“Alo”. Giọng chị giống như vừa ốm dậy.
“Chị à. . . em đây. Em có thể đến chỗ chị chứ, ý em là sau khi chị tan làm. Em có thể tới chỗ chị chứ”.
Bên đầu dây im lặng một hồi. Thoáng chốc trong suy nghĩ, tôi đã định cúp máy trước, nhưng rồi chị cũng nói:
“Được, 15 phút nữa em qua nhà chị nhé! Em biết địa chỉ rồi chứ”.
“Em biết rồi. ” – Tôi trả lời.
“Vậy nhé! Chị sẽ về ngay”
Sau đó, tôi cúp máy.
Mười lăm phút sau, tôi có mặt trước chung cư nhà chị. Tôi biết chị ở tầng bốn.
Tôi đứng đợi trước phòng, thi thoảng xem qua đồng hồ. Lát sau chị về, những tiếng bước chân dội khắp hành lang. Chị hiện ra, dáng người nhỏ bé như thường lệ. Chị chỉ đứng tới nách tôi là cùng, dù cho chị đã đi một chiếc giày cao gót rồi. Ngày hôm đó, chị ăn mặc đơn giản hơn nhiều lần tôi trông thấy chị trước đó, quần jean, áo len màu vàng bên trong, bên ngoài chị khoác thêm chiếc áo phao rộng thùng thình.
“Em tới lâu chưa?” Chị vừa nói, vừa lục lọi chìa khóa trong chiếc túi xách.
Tôi lắc đầu.
“Em cũng mới tới được khoảng 5 phút thôi”
Cửa mở. Tôi cùng chị đi vào.
Đó là một căn hộ gọn ghẽ, đồ đạc không nhiều nhặn gì nhưng tôi nghĩ nó khác xa so với tính cách của chị. Tôi nghĩ có phần nào đổi thay trong chuyện đó.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế xô pha màu ghi. Mắt đảo nhìn quanh một lượt. Quanh căn phòng không treo nhiều bức tranh như tôi vẫn thường nghĩ, chỉ có một bức tranh “Hoa súng” của Monet. Tôi không ngờ chị lại treo Monet trong căn phòng này.
“Monet”. Chị bưng một đĩa bánh quy ra và nói.
“Em cũng treo một bức trong phòng của mình, nhưng là một bức khác. Bức “Phố”.
“Trùng hợp thật! Em còn vẽ đấy chứ?” Chị hỏi.
“Sau năm nhất đại học thì em hầu như không động tới vẽ vời nữa, có thể do em bận học quá, nhưng em bắt đầu viết, khoảng thời gian trước khi đi ngủ hay những khi em không tài nào ngủ được. Chị biết đấy sau những giấc mơ”
Chị gật đầu
“Viết?”
Chị nhắc lại với giọng điệu không mấy ngạc nhiên.
Tôi gật đầu:
“Viết về mọi thứ? Ý em là mọi thứ em nghĩ tới đầu tiên trong đầu mình. Ban đầu thật khó khăn để có thể hình dung một cách đầy đủ về những thứ mình muốn viết, chỉ khi nào mình thật sự muốn thể hiện nó mà thôi. Nhiều khi em rất khó khăn trong cách mình muốn diễn đạt mọi thứ, ngay cả trong cách nói chuyện hay giao tiếp thông thường. Và điều đầu tiên em muốn mình vượt qua nó là viết”
“Ừ, ngày trước có thời gian mẹ cũng viết đấy, chắc em biết vì em thân với mẹ tới thế cơ mà. Có lần chị thấy mẹ cặm cụi ngồi bên bàn giấy và viết cái gì đó say sưa lắm, mà chị cũng không biết việc cặm cụi để vẽ có giống như việc viết hay không nhưng suy cho cùng thì cũng chỉ vì một mục đích mà thôi”.
Tôi đồng tình với chị.
Sau đó chị đứng dậy đi vào phía bên bưng ấm trà ra. Chị rót ra hai tách, chị đẩy một tách trà về phía tôi. Trà đen, loại trà mà chị yêu thích.
“Tại sao lại gọi chị đấy?”
Tôi lắc đầu:
“Em cũng không biết nữa, sau hôm Huy mua chiếc ti vi về và nói khoảng 10 giờ tối thứ bảy sẽ phát chương trình hòa nhạc cổ điển của các tên tuổi nổi tiếng thế giới. Ngay sau đó, em đã nghĩ ngay tới chuyện sẽ gọi điện cho chị. Khó khăn lắm, em mới dám bấm số gọi đến phòng triển lãm của chị đấy”.
“Chị nghĩ là em sẽ gọi cho chị sớm hơn cơ, như sau hôm triển lãm tranh chẳng hạn”. Chị tôi cười.
Tôi thì hơi ngạc nhiên.
“Chị biết ư?”
“Đi với T. Hôm đó em đi với T đúng không? Lúc em rời khỏi phòng triển lãm với T chị đã nhìn thấy, chị nghĩ chị có thể chào hai đứa. Khi đó, chị chỉ nghĩ thế thôi, mà chắc gì làm được. Dẫu sao thì mọi chuyện cũng đã qua rồi, nhiều khi chị nghĩ có để lại thì cũng chẳng làm được gì, chỉ thêm bận tâm thôi. Vả lại, giờ đây chỉ có em là người thân duy nhất của chị trong thành phố này thôi, đâu còn ai nữa”.
Hai chúng tôi cùng im lặng, một khoảng im lặng khá dài để cho những suy nghĩ của chúng tôi cũng trải rộng theo đó. Đã bao lâu rồi từ cái ngày chị quyết định rời bỏ tôi và mẹ để trở về thành phố. Tôi cảm thấy sợ hãi mỗi khi nghĩ về khoảng thời gian đó. Chị nói, tôi không biết học cách lắng nghe, ngay cả khi tôi bắt đầu học cách lắng nghe thì mọi thứ cũng đã quá muộn. T cũng bỏ đi rồi.
“Em xin lỗi, vì đã không biết học cách lắng nghe như từ trước nay vậy, như từ khi còn ở nhà và ngay cả bây giờ em cũng chưa chắc mình đã hiểu hết được tất cả những gì đang diễn ra, dù em đã rất cố gắng, cố gắng đê không phá hỏng mọi thứ như trước kia”.
Sau đó, tôi phá vỡ sự im lặng giữa mình và chị bằng lời hối lỗi đó.
Chị vội lắc đầu:
“Em không có lỗi gì cả. Chúng ta đều không biết học cách lắng nghe mà, khi mình bắt người khác học cách lắng nghe mình, trong khi bản thân mình chưa thật sự biết cách lắng nghe người khác. Ngày đó, chị thật vô tâm quá, ngày đó chị đã nghĩ quá nhiều cho bản thân mình. Ít ra, em còn ở với mẹ. Khi ra đi, chị hầu như chẳng có gì mà đúng ra là không có gì thật. Giống như chị đang tự bót nghẹt trái tim mình thôi, tự mình làm tổn thương mình chứ chẳng phải ai khác”.
Tôi đặt tách trà đã nguội đi phần nào xuống mặt bàn.
“Em không ngờ chúng ta lại có ngày này đâu, dẫu hơi muộn, nhưng có còn hơn không, chỉ khi em cảm thấy mất mát thì em mới nghĩ tới chị thôi. Chị đừng cho em là ích kỷ nhé! Bởi lẽ giống như chị nói, thì chỉ còn chị là người thân thiết duy nhất của em trong thành phố này thôi”
Chị mỉm cười, chị lấy tay mình nắm lấy bàn tay tôi:
“Giờ chúng ta hòa nhé!”
Tôi mỉm cười. Chị cũng vậy! Ngày hôm đó, chị tiễn tôi ra ngoài tận trạm xe buýt.
“Trong thời gian tới chị sẽ đi công tác Ba Lan tầm một tháng, sau khi về chị em mình nhớ gặp nhau nhé!”
Tôi gật đầu.
“Có thể sang năm nữa chị sẽ lấy chồng đấy. Anh ấy cũng tốt lắm, có khi em phải gặp anh ấy một lần mới được”. Chị tôi nói, nghe chừng giọng chị vẻ như hào hứng lắm.
“Dĩ nhiên rồi! Em sẽ gặp. Chắc chắn sẽ gặp. ”. Tôi nói.
Tới tận khi tôi yên vị trên xe buýt thì chị mới ra về. Cái dáng người nhỏ bé hòa lần trong màn đêm đen đặc, dịu dàng.
Ngày hôm đó, khi về nhà thì Huy vẫn chưa về. Có lẽ anh lại bận tiếp khách hay họp mặt bạn bè đối tác gì đó.
Sau khi cơm nước xong xuôi, tôi bắt đầu đọc Dostoevsky, nghe The Beatles, và đợi Huy về!
Nguyên Nguyên