Tôi có một người chị gái, hơn tôi hai tuổi, nhưng từng là đứa trẻ hoạt bát và xinh xắn nhất tôi biết. Tôi nói “từng” là bởi dạo gần đây, chị không còn là đứa trẻ ấy nữa.
Chị trở nên ít nói, thu mình. Da dẻ chị xanh xao, thân hình gầy gò. Chị bỗng dưng ghét món pizza Hawaiian mà tôi với chị hay cùng nhau tranh giành. Mỗi ngày đi học về, chị không tạt qua phòng tôi cùng ngồi chơi hay xem phim, chị cứ thế khóa chặt mình trong phòng riêng đến tận tối.
Ba mẹ tôi không buồn gọi cửa phòng chị hay phòng tôi, nên đến giờ ăn tối, tôi là người sẽ gọi chị. Chị ương bướng đến độ, tôi thường mất hơn mười phút nỉ nôi mới thấy chị chịu mở cửa, lết chân xuống từng bậc cầu thang.
Dần dà tôi nhận ra, không chỉ mình chị tôi, mà cả ba mẹ tôi cũng đã thay đổi - họ không còn là những bậc phụ huynh vui vẻ, niềm nở, hay quan tâm đến gia đình nữa. Mẹ không hỏi ba về ngày làm việc và ba không hỏi chị em tôi về một ngày ở trường. Tôi muốn kể nhiều thứ lắm. Rằng, thằng béo Randy lớp bên cạnh không còn dám trêu tôi mỗi lần đụng mặt ở hành lang. Rằng, thầy giám thị Tom đã không còn soi mói tủ đựng đồ ở trường của khu tôi. Rằng, cô chủ nhiệm Rosa không buồn gọi tên tôi dù tôi đã cố giơ tay xung phong lên bảng. Rằng, đứa bạn thân Sara của tôi vì một lý do không rõ đã chuyển qua chơi với hội bạn khác mà không nói với tôi nửa câu.
Chỉ có mình chị gái tôi vẫn yên lặng lắng nghe. Chị không đưa ra lời bình luận nào, chỉ đơn thuẩn ngồi đó nghe tôi than vãn. Thế cũng ổn với tôi. Nhưng mỗi bữa ăn, khi cả hai chị em đều phải nhìn ba mẹ nuốt thức ăn trong im lặng, chẳng ai trong chúng tôi dám nói gì.

Nghĩ kỹ lại có lẽ do hiệu ứng từ vụ tai nạn nửa năm trước. Tôi vẫn nghe giáo viên nói những tai nạn có thể gây chấn thương tâm lý về sau, tùy mức độ nặng nhẹ. Đó là một vụ đụng xe trên đường cao tốc khi gia đình tôi đang về thăm trang trại của ông ngoại. Chiếc xe của ba va chạm một chiếc xe tải mini và nát rúm đầu. May mắn là cả nhà đều sống sót và không phải điều trị trong viện quá lâu, trừ chị gái tôi. Chị ấy nằm trong viện rất lâu dù tôi đã về nhà được khoảng một tháng. Ba mẹ ra vào viện hàng ngày nên tôi cũng đi ké để tới chơi với chị.
Thời gian đầu, chị hay nằm co quắp, chùm kín chăn trắng, không chịu ăn uống và nói chuyện. Ba mẹ tôi cứ khóc liên miên mà tôi chẳng thể an ủi họ. Chị tôi sẽ khỏe lại, ít nhất tôi có niềm tin mãnh liệt như thế. Rồi, lúc trở về căn nhà thân thương, chị sang phòng tôi ngủ rất nhiều. Vẫn chẳng nói gì, chị cứ nằm ngủ, thay quần áo hay làm bài tập ngay trong phòng cùng tôi. Mãi đến khi ba mẹ yêu cầu chị về phòng, chị mới chịu rời tôi ra. Tôi thấy chuyện ấy chẳng sao, nhưng chắc ba mẹ muốn chúng tôi có không gian riêng.
Hôm nay sinh nhật tôi, nhưng đáng tiếc, chẳng ai nhớ ngoài chị gái tôi. Sinh nhật rơi vào Thứ bảy nên chúng tôi không phải đi học, nhưng ba mẹ tôi lại quyết định làm tăng ca thay vì ở nhà tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ. Thôi, chẳng sao. Tôi ở nhà chơi với chị gái cũng đủ vui. Chị lục lọi đống đồ cũ của tôi, cùng tôi chơi trò hóa trang và nhảy múa trước gương rồi xuống nhà mở hộp pizza Hawaiian vừa ăn vừa xem lại những video quay cảnh chúng tôi tập bơi hồi nhỏ.
Tầm sáu giờ tối, mẹ về nhà. Thấy chúng tôi đang ngồi ở sofa phòng khách trong mấy bộ đồ hóa trang của tôi, mẹ gào ầm lên - không phải theo kiểu giận dữ mà là thảm thiết. Chị tôi trân mắt nhìn mẹ, không hiểu phản ứng bất ngờ này. Mẹ yêu cầu chị tôi lâp tức thay đồ và trả mẹ chìa khóa phòng của tôi. Tôi giữ tay mẹ để mẹ không mắng chị nhưng chẳng ăn thua, mẹ không mảy may để ý đến tôi.
Chị tôi bắt đầu khóc lóc, không muốn làm theo lời mẹ. Tuy nhiên, mẹ tôi đã kéo chị lên tầng hai, nhất quyết chị thay bộ đồ và trả về phòng tôi. Tôi cũng chạy theo để bên chị mà như mọi lần, mẹ không thèm mắng tôi câu nào. Đột nhiên, mẹ ngồi gục xuống ôm mặt khóc, còn chị đến quàng tay qua cổ mẹ. Chị thủ thỉ rằng chị rất nhớ tôi, rất thương tôi và hôm nay sinh nhật tôi nên chị muốn vào phòng tôi. Tôi không hiểu tại sao chị nói nhớ tôi khi cả hai ngày nào cũng ở gần nhau, tới khi mẹ nói với chị, tôi mới vỡ òa.
“Em gái con đã không còn trên cõi đời này nữa rồi con yêu. Con bé không thể quay trở về được nữa!”
Tôi có một người chị gái. Kể từ vụ tai nạn ấy, chị tôi không còn là một đứa trẻ hoạt bát và xinh xắn do những chấn động tâm lý nặng nề gây ra.
Tôi có một người chị gái. Chị đã sống sót qua vụ tai nạn ấy, còn tôi thì không.
Harley Lê