Sự kỳ vọng đúng mức có thể trở thành nguồn động lực cho bản thân, tuy nhiên kỳ vọng quá lớn chỉ đem đến gánh nặng phải làm tốt, thậm chí còn gây ra tác dụng ngược: Dù thích hay không vẫn phải làm điều đó để khiến đối phương vui vẻ.
Vậy vấn đề ở đây là “Kỳ vọng như thế nào là vừa đủ”. Kỳ vọng điều gì đó ở đối phương là vì chúng ta muốn có cảm giác gần gũi, thân thiết với đối phương hơn. Nhưng kỳ vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều. Khi đối phương không được như kỳ vọng, chúng ta thốt ra những lời thất vọng, chê trách. Sự kỳ vọng lớn ấy rất dễ khiến đối phương mệt mỏi, song tệ hơn là chúng ta có khuynh hướng không chấp nhận điều đó, luôn cho rằng kỳ vọng của mình là bình thường. Càng như thế, trước tiên chúng ta càng phải nghĩ xem đối phương có muốn bị kỳ vọng như thế hay không.
Cho rằng người mình yêu thương cũng muốn điều mà mình muốn là một suy nghĩ vô cùng sai lầm. Tuyệt đối không nên ép buộc đối phương làm điều mình muốn dù là trong âm thầm. Thêm vào đó, khi đối phương không thể đáp ứng được kỳ vọng của bản thân, bạn có thể thất vọng nhưng không nên oán trách đối phương. Hãy đón nhận điều ấy như một điều bất khả kháng. Đó là cách tôn trọng đối phương thật lòng.
Trong bất kỳ tình huống nào, bạn nên đặt sự tôn trọng lên trước sự kỳ vọng. Bạn cần nhớ rằng sống để thỏa mãn kỳ vọng của người khác mà không được làm những điều bản thân mong muốn là một điều bất hạnh.
[Trích: Đủ gần mà không đau đớn, đủ xa mà không cô đơn- Hyenam Kim]