Hồi bé thật dễ để chúng mình kể ra những thứ mình muốn. Những đứa trẻ thích những điều rất đơn giản và rõ ràng, như là một chú gấu bông, một bộ xếp hình. Hoặc khi hỏi về chuyện tương lai, chúng có thể tự tin mà nói ra: “Con muốn làm siêu nhân!”. Đó là điều tuyệt vời của những đứa trẻ - thỏa thích mơ ước và tin tưởng.
Thế còn chúng mình? 20 tuổi. Chúng mình muốn gì? Đôi khi, tớ ngồi ngây người cả đêm băn khoăn chẳng hiểu nổi mình thực sự thích gì nữa.
20 tuổi, có chạy cũng không thoát nổi những băn khoăn về tương lai. 20 tuổi, chúng mình đôi khi còn khóc vì thấy bản thân bất lực, nhàm chán, vô định. 20 tuổi, chúng mình cảm nhận sự trống rỗng nhưng cố lấp đầy nó bằng những cuộc vui, những bài thi hết môn, những ngày nằm lười, và một bọc hoài nghi giấu dưới gối. 20 tuổi, chúng mình cô đơn.
Những khoảng trống “to đùng” trong tâm hồn như thế sẽ chỉ thực sự được lấp đầy qua những lần “giác ngộ” - là khi cậu đặt ra câu hỏi, đứng dậy tìm câu trả lời, vấp ngã, rồi rút ra một bài học. Đó là trải nghiệm. Đó là những mảnh ghép tạo thành câu trả lời cho những băn khoăn tuổi 20 của cậu.
Và cho dù những trải nghiệm ấy, những lần giác ngộ ấy có đau đớn hay bất ngờ thế nào, hành trình tìm lời giải đáp cho rắc rối tuổi 20 có chênh vênh hay kéo dài bao lâu, mong cậu đừng đánh mất cái bản ngã của chính mình. Có thể cậu sẽ phải học cách thích nghi, học cách buông bỏ một số thứ và chấp nhận, nhưng hãy đứng lên bảo vệ cho lý tưởng và tiếng nói con tim mình nếu cần thiết.
