
♨ Lợi ích của phương pháp 6 chiếc lọ
Bằng việc phân chia thu nhập thành các khoản nhỏ, sự chi tiêu luôn được kiểm soát một cách dễ dàng bằng việc theo dõi số dư của từng khoản. Ví dụ, thu nhập chính của bạn đến từ lương, sinh hoạt phí hàng ngày của bạn trung bình khoảng 100,000 đ/ngày, hôm nay bạn theo dõi số dư trong lọ sinh hoạt chỉ còn lại 250,000đ trong khi còn đến 3 ngày nữa bạn mới nhận được lương, bạn sẽ phải điều chỉnh lại chi tiêu sao cho hợp lý để không bị vỡ ngân sách.
Các khoản chi luôn được phân chia đầy đủ, không bao giờ có sự tiêu pha quá mức. Điều này rất quan trọng, một ví dụ rất đơn giản, giả sử bạn không sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ, tiền của bạn là một khoản duy nhất, dự định mỗi tháng biếu cho bố mẹ 1 triệu đồng nhưng vì bạn quá thích chiếc điện thoại mới ra mắt, bạn xem xét qua thấy hiện số tiền còn lại đủ để mua điện thoại và chi tiêu đến cuối tháng nên bạn đã bỏ qua tất cả để mua chiếc điện thoại đó, cách chi tiêu này vô cùng nguy hiểm, là lý do mà nhiều người làm mãi vẫn không có được một khoản dư nào.
Tài sản và tiêu sản: tài sản là những sở hữu giúp tạo ra thêm nhiều sở hữu khác, giả sử như tiền đầu tư cho học tập và kinh doanh, đây là những khoản cực kỳ quan trọng giúp tăng nguồn thu mỗi tháng. Trái ngược với tài sản, tiêu sản là những sở hữu chết, chỉ dùng để phục vụ cho nhu cầu cá nhân và không có tác dụng làm sinh ra thêm các sở hữu khác, chi tiêu càng nhiều vào tiêu sản thì ta càng bị khốn đốn về mặt tài chính.
Baseline: Định nghĩa một cách dễ hiểu thì baseline là một mức sống thấp nhất mà tại đó bạn vẫn cảm thấy hạnh phúc, việc tìm ra baseline của bản thân chính là yếu tố then chốt cho việc đạt được tự do tài chính, lý do đơn giản là vì sự ham muốn của chúng ta là vô hạn, làm càng nhiều thì chi tiêu càng nhiều, nếu không có một mức baseline để đánh giá thì ta rất dễ chi tiêu lãng phí tiền bạc. Luôn ghi nhớ rằng baseline là mức sống cơ bản, nếu chi tiêu thấp hơn mức sống cơ bản này, ta gọi đó là hà tiện, chi tiêu vượt hơn baseline quá nhiều gọi là lãng phí, cần phải tránh hai thái cực này.
Gieo trồng hạt giống yêu thương, chia sẻ để giảm đi cái tôi, vì sao vậy? Những người có thu nhập cao, kiếm tiền tương đối dễ thường phát sinh cái tôi rằng tôi đây là giỏi, tôi đây kiếm được nhiều tiền, kì thực không hẳn là như vậy. Mọi người trên thế giới này sống dựa vào nhau, người làm việc này, người làm việc khác, nuôi sống cho nhau, không có người nông dân trồng trọt thì ông làm công nghệ cao cũng phải chết. Điều đó cho thấy dù ta có thu nhập hơi nhĩn một chút nhưng chúng ta luôn cần tâm niệm rằng số tiền có đây là công sức lao động của nhiều người chứ không hẳn là chỉ riêng mình, từ đó mà cái tôi tiêu giảm.
🍀 Sau đây là cách chia tiền vào 6 chiếc lọ của mình, sau đó là một công cụ quản lý mà mình tự làm, dựa theo đó, các bạn có thể tự chia theo cách riêng của bạn, có thể không phải là 6 mà là 7, 8 chẳng hạn, chia như thế nào để đảm bảo các nguyên tắc của 6 chiếc lọ là được.
- Sinh hoạt phí (50%): phục vụ các nhu cầu thiết yếu: ăn, ở, siêu thị, xăng xe,…
- Tiết kiệm hoặc đầu tư (10%): tiết kiệm hàng tháng và dành để đầu tư sinh lãi, làm tăng thêm nguồn thu.
- Học tập (10%): dùng để mua sách và các khóa học nhằm nâng cao kiến thức, trí tuệ.
- Dự phòng (10%): dành cho các chi tiêu gấp như ốm đau, bệnh tật, những khoản phát sinh ngoài dự kiến, đám tiệc,…
- Giúp đỡ gia đình (10%): thỉnh thoảng về quê bạn cũng nên mua một ít quà, biếu ông bà, cha mẹ một ít tiền, đây là một khoản chi nên có.
- Cho đi (10%): trong 10 điều toàn hảo mà Đức Phật dạy có một điều toàn hảo gọi là Dāna pāramī, tiếng Việt gọi là bố thí Ba la mật. Đây là một khoản chi mà ta nên có để gieo trồng hạt giống yêu thương, san sẻ.
- Thặng dư sinh hoạt: vì sao mình nói là 6 nhưng lại phát sinh thêm 7. Đây là khoản thặng dư nhờ sinh hoạt tiết kiệm ở tháng trước đó mà sinh ra, khoản thặng dư này giúp khuyến khích chúng ta chi tiêu một cách tiết kiệm. Với khoản thặng dư này, chúng ta có thể sử dụng để mua các loại tiêu sản mà chúng ta yêu thích, điều này hợp lý vì chúng ta lao động kiếm ra tiền, nếu quá bỏn xẻn với bản thân thì có ngày nó sẽ nổi giận không chịu làm việc nữa thì không hay. Tuy nhiên, cũng không nên vì quá yêu thích một món tiêu sản nào đó mà để cho sinh hoạt phí thấp hơn baseline thì không đúng, chúng ta bị rơi vào thái cực hà tiện.