Ba giờ sáng , tôi bật dậy vì những cuốc gọi lúc nửa đêm, lòng thầm nhủ không biết kẻ nào tới số chọc bà la sát này.
Những con số nhảy múa trên màn hình điện thoại làm tôi phải bật người dậy. Đây là số thoại của cô bạn thời thơ bé của tôi ở vùng trời Nhật Bản, chúng tôi chia cắt nhau 2 múi giờ và gần 4000 cây số. Tự nhủ đã lâu lắm rồi mới nhận những cuốc điện thoại mang hơi hướm của sự bất lực mà bản thân không thể gánh vác này.
Bỏ mặc những cơn ngái ngủ và kịp thốc bản thân dậy,tôi quơ vội chiêc điện thoại với chất giọng không thể nào thều thào hơn “Vinh hả, tao đây, mày nói đi..”
Vinh và tôi học chung với nhau những năm thiếu thời, tuổi thơ cùng nhau trải qua biết bao vui buồn, cùng như nhìn thấy từng sự thay đổi của đối phương. Tốt nghiệp cấp ba, cô không chọn con đường đại học như bao kẻ sĩ khác trong số chúng tôi, cô đăng kí đi học ở trung tâm tiếng nhật cấp tốc với niềm hi vọng sang Nhật kiếm việc và ổn định cuộc sống tại nơi đây.
Và hiện thực dẫu người trẻ có niềm hi vọng lẫn niềm tin mãnh liệt thế nào cũng không hể ngăn cản một chuyện: cuộc sống ở Nhật chưa hẳn phù hợp với mức sống và môi trường làm việc của người Việt Nam. Nó áp lực và nhip sống nhanh không thể thở nổi. Suốt thời gian đầu, bạn tôi ngụp lặn trong sự bất an về cuộc sống khi lần lượt trải qua những câu chuyện không đầu không đuôi của lối sống khác xa nhau của hai nền văn hóa. “Xứ phù tang vắt kiệt sức của những thanh thiếu niên trẻ tuổi với mơ ước đổi đời”, bạn tôi nhận định cay đắng như vậy đấy.
Những cuộc thoại gọi về lúc nửa đêm , tôi không thể đếm bao nhiêu lần cô ở bầu trời kia và bật khóc, những tủi thân uất ức về nỗi niềm của du học sinh xa xứ ám ảnh tôi từng giấc mơ,từng giấc ngủ khi đêm về.
Câu chuyện của cô bạn tôi không lạ cũng chả mới, nó là hiện thực của xã hội ngày nay khi việc hội nhập quốc tế trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Việc tìm kiếm một cơ hội du học lẫn việc làm ở một quốc gia nào đó không phải Việt Nam không còn là gì quá xa lạ. Nó phổ cập đến mức có thể nói đùa rằng người bạn gặp café hôm nay qua ngày hôm sau đã đón nắng ở một nơi nào đó xa lắc và có khi cách ta nửa vòng trái đất rồi cũng nên . Hẳn nhiên nó cũng mang đén nhiều bất cập xung quanh mà không phải ai trong tình huống đó cũng nhìn ra được.
Chuyện cô bạn thân của tôi chẳng phải là một ví dụ điển hình đó sao. Có những người trẻ, trong suốt những năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, họ không tìm ra một hướng đi cũng như một niền tin gì để phấn đấu cả, họ biết mình phải học cho tương lai, nhưng hỏi đến câu mười năm sau bạn muốn trở thành con người như thế nào ở lĩnh vực gì thì ú ớ không thể nói được. Học hành đúng là con đường cả đời ta phấn đấu, nhưng không có lối đi riêng của bản thân thì chúng ta như đi trên sương mù không có lối về.
“Bạn là ai?” – Đây là câu hỏi chả lạ cũng chả mới, những trường đại học đầu thế giới như Harvard, Cambridge đều chọn câu hỏi “Who am I?” như một vấn đề tiên quyết cho việc lựa chọn những tân sịnh viên cho ngôi trường của mình. Cái tôi cá nhân, cái con người bạn có đều được thể hiện, lột trần đến mức trơ trụi qua câu hỏi này. Và dù có biết trước câu hỏi, ngàn triệu người vẫn không đưa ra được câu trả lời hoàn chỉnh để có thể có một tấm vé tiến vào ngôi trường mà sự tồn tại của nó biểu tượng cho sự thành công của giáo dục.
Chúng ta mất 18 năm cuộc đời cho việc ngồi trên cánh cổng nhà trường với những bài học về nền giáo dục. Rồi mất thêm dăm ba năm cho cái công cuộc mài đũng quần ở cánh cổng đại học. Những công thức toán học, hợp chất phức tạp của các hóa chất trong hóa học , những bài toán về điện trở hóc búa mà giờ nghĩ lại, những thứ đó chả giúp ích được gì cho ta ngoài mớ kiến thức rỗng và sự bất lực của một nền giáo dục có thể tạm nhận định là đổ nát.
Đến bao giờ mới nhận ra, học tập là nghĩa vụ cả đời đời nhưng không có nghĩa phải gắn liền với những điểm số, với cái nhìn hay thậm chí với cái nhận định của xã hội khi mà không phải hướng tới kiến thức mà hướng tới cái gọi là “ phù hợp” để có việc làm.
Thứ áp đặt xã hội gọi là “ổn định” đó đang bào mòn suy nghĩ, giết chết từ từ những ước mơ của người trẻ, rồi tự chấp nhận trong cái bất lực của bản thân, chìm nghỉm trong cái cuộc đời đau thương này. Cay đắng nhưng lại là sự thật !
Bạn tôi đang chấp chới bay ở vùng trời Nhật Bản và cũng chững lại với kế hoạch dự định của mình.
Quyết định quá sớm cũng như tương đối vội vàng của nó làm lỡ bước nhiều thứ, suy cho cùng mất nhiều hơn được . Cuộc sống du học sinh mang lại nhiều cái lợi,bất cập theo đó cũng không ít hơn bao nhiêu.
Nhiều khi tôi phải thao thức đặt tay lên trán mà tự hỏi, những đứa bạn của tôi , chúng lưu lạc trời Tây, những đất nước xa lạ để làm gì? Chúng thật sự cần hay không hay việc có mác du học tăng cho cái CV một dòng chữ mang tính sang chảnh hơn nhiều. Tôi không hiểu mà cũng chả dám nhận định gì vì chuyện đó phụ thuộc vào cá nhân, điều kiện gia đình mỗi người.
Người người, nhà nhà đi du học. Ào ào đi như một cái mốt nổi lên trong đám sinh viên nhà có chút điều kiện. Đó không phải một kết luận, đó là một sự thật nhiều khi mang tính hiển nhiên rồi.
Học nhiều, những dòng hồ sơ cá nhân trong CV dài đến mức ghen tị. Để rồi không trả lời câu hỏi “bạn là ai” được, tôi chỉ biết bật cười thành tiếng “hahaha”. Đau đớn thay cho cái thế hệ trẻ của chúng ta cắm cúi vào những bài học sách vở để rồi những câu hỏi mang dấu ấn cá nhân , khẳng định mình lại không trả lời được .
Đau lòng lắm các bạn ạ!!!
Những kẻ tự nhận mình mang dấu ấn của con chữ đến cuộc đời như chúng tôi, đọc những dòng nhận xét của các bạn về sự mục rũng của ý chí phấn đấu trong tư tưởng người trẻ, chúng tôi đau biết bao nhiêu, ai nào có thấu !
Nhìn những lá thư mang hơi hướm bất lực trong cuộc sống của những kẻ tuổi đời quá trẻ nhưng tâm hồn thì già cỗi hơn bất kì một ngườ già nào, tôi lại đau đớn nghĩ suy : đến bao giờ cái thế hệ của con em chúng ta mới nhận ra vấn đề họ đang mắc phải để mà tự phấn đấu, không ràng buộc đây.
Tôi không biết, mà cũng chẳng thể trả lời được.
Bầu trời ở Việt Nam cũng chỉ cao bằng bầu trời ở Đức, tâm hồn của người Châu Á cũng có thể rộng mở như bất kì người Châu Âu nào. Vậy tại sao những người trẻ thế hệ chúng ta lại chết già trong lối mòn cũ kĩ của tư duy tâm tối như người trung cổ thời phục hưng vậy ???
Hôm nay mưa bão nơi đất Việt, tôi chợt nghĩ rằng ở bên bầu trời phù tang kia, bạn tôi liệu còn bão giông như những đêm gọi điện về lúc 3 giờ sáng?
Cô đơn giữa phố đông người , nhìn đèn điện giăng mắc khắp chốn ấy, bạn tôi liệu có bật khóc nữa hay không…..
Tôi thương bạn tôi, thương cho hàng triệu người trẻ mất phương hướng ngoài kia nhiều hơn nữa ……
Một ngày nào đó, cầm lá thư chỉ vỏn vẹn ba chữ “who am I?” , rồi bật khóc một cách đau đớn ở bầu trời cách tôi 4000 cây số, đứa bạn mà tôi thương mến ấy lòng có thể đau đến mức nào đây ?
Tôi có thể tưởng tượng ra được. Một buổi sáng ở Kyoto. Dòng mail từ một người bạn cách mình 9 giờ bay. Nhớ những giấc mơ từng bỏ lỡ. Câu chuyện du học xứ xa. Ngẫm nghĩ. Rồi nước mắt chảy lúc nào không hay…..
Ai trong chúng ta từng không có hướng đi như thế?
Lee Key