"Bến Xe” – Thương Thái Vi, một cuốn tiểu thuyết làm mình ám ảnh suốt cả cuộc đời. Ám ảnh không phải là chuyện tình đẹp, càng không phải là “soái ca” mà là giá trị cuộc đời, nhân sinh quan mà cuốn sách mang lại.

Mình đến với tác phẩm bởi cái tên của nó, ” bến xe” một cái tên gần gũi, thân thuộc nhưng cũng đong đầy hoài niệm có chút dư vị buồn của sự chia li.
Nói đến tiểu thuyết tình cảm, từ gắn mác đầu tiên là “soái ca” nào là đẹp trai, nào lạnh lùng, giàu có. (Chắc họ hấp dẫn lắm nhỉ? ) . Nhưng đến với bến xe, người đàn ông mang tên ” Chương Ngọc” – linh hồn của tác phẩm, mình chỉ có thể hình dung qua 2 từ “hoàn hảo”, hoàn hảo về nhân cách, về tâm hồn.
Anh là 1 người thầy giáo luôn lên hào quang, hào quang của trí thức, hào quang của sự vươn lên , hào quang của lòng vị tha, hào quang của đức hi sinh. Có thể thầy khiếm khuyết rất nhiều, thầy chỉ có đôi tay trắng, bộ óc thiên tài, trái tim nhân từ và tâm hồn mạnh mẽ… Nhưng có mấy ai có thể đối mặt và chấp nhận số phận được như thầy. Thầy chưa một lần trách cứ vận mệnh lấy đi của thầy tất cả, thầy chưa một lần ai oán người mất đi tất cả như thầy lại sống vất vả hơn bất kì kẻ lành lặn nào. Thầy đẹp hơn bất kì ai, thầy hoàn mỹ hơn bất kì ai và tình yêu của thầy cũng thuần khiết, cao cả và mãnh liệt hơn bất kì ai. Có lẽ sự hoàn mỹ của thầy chỉ được phát sáng khi ngôi sao chiếu mệnh của thầy xuất hiện, cô học trò bé bỏng tài hoa Liễu Địch của thầy chính là ngọn đèn soi sáng thế giới mênh mông vô bờ nhưng lại đen tối trong cuộc đời thầy.

“Vào thời khắc mọi dây đàn bị đứt, chúng đều phát ra tiếng kêu xé lòng, bởi chúng không cam tâm lặng lẽ chết đi.”
Thầy Chương là người luôn giữ khư khư mọi nỗi lòng, mọi cảm tình sâu kín. Duy chỉ tình yêu thầy dành cho cô học trò Liễu Địch là không thể kìm nén. Thứ tình cảm ấy cuồn cuộn trào dâng như từng con sóng xô biển khơi, khiến trái tim người nhức nhối. Trong căn phòng đầy sách ngập chìm trong bóng tối của thầy, Liễu Địch đã mang đến ánh sáng và sự ấm áp khiến thầy được mở lòng mình, được cảm nhận niềm vui một lần nữa.
Nhưng hạnh phúc luôn đi cùng với nỗi đau. Liễu Địch với tài hoa văn chương và sự dẫn dắt của thầy, đã trở thành thủ khoa và đậu vào Đại học Bắc Kinh. Đó là niềm kì vọng của thầy Chương, là ước mơ của Liễu Địch, cũng chính là nhát dao vận mệnh đầu tiên chặt đứt duyên phận của hai người.

Lần cuối Liễu Địch đến nhà thầy Chương, khi thầy cất tiếng hát theo giai điệu của chiếc đàn guitar, đó cũng là lần đầu tiên trong đời thầy để tình cảm phủ mờ lí trí. Mỗi bài hát mà thầy cất lên cũng chính là lời bày tỏ mà thầy không bao giờ có thể thốt nên. Thầy không còn là thầy Chương, mà chỉ là người đàn ông mang tên Chương Ngọc, đang buông thả để mặc cho tiếng lòng mình chạm đến trái tim của Liễu Địch, vang vọng trong không gian nhỏ bé của hai người.
Xuyên suốt quá trình đọc “Bến Xe” tôi đã khóc rất nhiều, tôi cảm động, tôi chấn động và tôi sợ hãi. Tình yêu của thầy Chương Ngọc dành cho Liễu Địch quá cao cả và bao la, tình yêu của thầy quá thiêng liêng và rộng lớn. Tôi thích cách yêu của thầy, thầy yêu lặng lẽ, thầy yêu âm thầm nhưng đó lại là tình yêu mãnh liệt. Tôi đã từng nhiều lần hỏi bản thân mình, phải chăng vận mệnh của những người đa tài như thầy đều bi ai đến thế, phải chăng vì thầy quá tài hoa nên đường đời của thầy mới đầy chông gai. Có phải chỉ khi thầy là Chương Hải Thiên thì thầy mới chính là thầy đầy sức sống, vậy linh hồn và thể xác thầy về với trời biển bao la phải chăng đó mới chính là điều mà thầy muốn, nếu thế, cái kết của “Bến Xe” không chỉ thành toàn cho Liễu Địch mà còn thành toàn cho cả thầy, cho cả ước mơ khao khát của thầy nữa.