Mỗi cái tên đều nói lên một số phận! Có phải vậy không?
Mẹ sanh đứa thứ ba - chị - vẫn là con gái. Cha vô dòm cái rồi đi, đi biệt, chẳng về, chẳng thăm nom gì mẹ con chị, mãi cho đến khi chị vác giỏ vô Sài Gòn sống, chị vẫn chẳng thấy mặt cha! Chuyện đàn ông bỏ vợ, bỏ con đi tìm đứa nối dõi, nghe xưa rích xưa rác với người ta mà mới suốt đời với chị. Bởi, nỗi đau ấy đến với chị mà chẳng bao giờ chịu nguôi. Dẫu, chị không nhìn thấy - hay nói đúng hơn là chị không thể nhớ được cái nhìn thoảng qua duy nhất một lần ấy của cha - nhưng, nó ngấm vào chị qua từng ngày, từng tháng, từng năm chị sống trước cái nhìn khắc khoải, đau đớn và có phần hằn học của mẹ dành cho chính đứa con gái bà dứt ruột đẻ ra.
Ba chị em gái, đứa nào cũng khổ, cũng cực, cũng cùng mẹ gánh việc nhà, việc mướn để kiếm đủ bữa no. Nhưng hai chị gái của chị ít nhiều tối về còn nghe được mẹ hỏi một câu, mệt không bây? Còn với chị, chỉ là những cái thở dài cố nén bực tức. Có lần ức, chị hỏi: “Con là con mẹ hay con là co* b* với bà khác mà mẹ…”. Chưa dứt câu thì chị nghe choáng váng mặt mày bởi cái tát như trời giáng từ bàn tay mẹ, cùng câu hừ hừ trong cổ họng cay và đắng vô cùng: “Đồ mất dạy!”.
Sau lần ấy, chị tuyệt nhiên không bao giờ dám tỏ thái độ gì nữa. Không phải chị sợ đòn, bởi, đòn đau đó rồi thôi, chứ những thứ âm ỉ cắn xé trong ruột trong gan thì không dứt được, khó chịu lắm. Chị không nói, không thái độ, vì có mấy đêm trở mình thức dậy, chị nghe tiếng mẹ rưng rức khóc trong buồng. Chị rón rén bước lại, dòm qua khe hở từ cái màng che rách bươm, thấy mẹ cứ ướp vật gì đó vô ngực trái mà khóc. Sáng lén lục lọi, chị biết đó là tấm hình của cha. Chị không dám tỏ thái độ với mẹ nữa, vì, chị mơ hồ nhận ra rằng, những gì chị chịu đựng chỉ là một phần quá nhỏ so với cảm xúc mà mẹ phải mang chịu suốt mười sáu năm nay. Ừ, chị đã mười sáu!
Có phải mỗi cái tên đều nói lên một số phận? Chị không biết! Mà, cũng chẳng biết tại sao câu hỏi này cứ ám ảnh mình hoài. Mỗi khi ám ảnh là mỗi lần chị bật cười, tự hỏi, vậy chị hai tên Lan, chị ba tên Cúc thì đời hai chị gái của chị sẽ ra sao? Cười đó, rồi khóc đó - khóc một mình - và lại tự hỏi, có phải mỗi cái tên nói lên một số phận hay không?
Chắc là không! Bởi, khi anh gọi chị - giọng kéo dài đầy da diết cùng cái nhìn khắc khoải nỗi yêu thương, chị đã tin rằng, đời chị không phải như cái tên mẹ đã đặt cho chị ngày cha bỏ mẹ mà đi! Từ!
- Em dám theo anh không? - Anh hỏi, có vẻ ngần ngừ.
Chị quay qua anh, nhìn, thắc mắc, tại sao anh phải ấp úng, phải ngập ngừng vậy? Thương nhau, dắt nhau đi tìm tương lai là chuyện bình thường mà?! Nghĩ lát, thật ra là thắc mắc về sự ngập ngừng của anh chứ không phải suy nghĩ để có câu trả lời, chị gật cái rụp.
- Dám!
Anh tròn mắt nhìn chị rồi như vỡ ra, không kìm lại được, anh ôm chầm chị, để nước mắt chảy ròng rã trên gương mặt đã nhoài hẳn qua cổ chị, cố không cho chị biết anh khóc. Và, chị đi! Đơn giản là thế, là vác giỏ bỏ đi, để lại sau lưng chị tiếng đời dèm pha mẹ đẻ con gái, vừa mười tám đã bỏ nhà theo trai…
***
Tám năm thanh xuân cuộc đời chị là chuỗi những ngày ngồi ngủ gục bên mâm cơm đợi anh về. Thuở mới vô Sài Gòn thì anh vừa phải đi học vừa phải đi làm thêm kiếm tiền đủ ăn cho anh và chị, học xong thì đi làm, làm rồi học thêm và làm cao hơn nữa… Cứ mỗi nấc cao là mỗi giờ trễ hơn anh về cùng chị với bữa cơm đã nguội ngắc nguội ngơ. Cứ mỗi nấc cao là mỗi nhiều hơn cái lắc đầu của anh mệt mỏi.
- Anh mệt lắm! Anh muốn ngủ thôi!
- Anh mệt lắm! Anh không ăn đâu!
- Anh mệt lắm! Em chịu khó ăn một mình nghen!
- Anh mệt lắm! Đừng phiền anh!
…
Và cứ vậy, tám năm ròng rã chị chống cho qua đoạn chị tự đánh lừa mình rằng sóng gió sắp sửa tan đi hết… Thi thoảng, chị tưởng rằng, mình đúng, rằng sóng gió đã qua thật, khi anh trở về sớm hơn, ít mùi bia rượu hơn, ít uể oải hơn, ngồi cùng chị bên mâm cơm suốt đời chỉ những món anh thích. Nhưng ngày một ngày hai rồi thôi. Anh lại đi. Lại về muộn. Lại rượu bia và lại bảo mệt, đừng phiền anh. Thi thoảng, chị tự hỏi, có thật chị phiền anh không? Nếu thật, chị sẵn sàng ra đi để anh không thấy bị phiền nữa, để anh có thể toàn tâm toàn ý mà nghĩ đến những thứ anh không cho rằng phiền. Mà, nghĩ tới đây, chị chùng lại, rùng mình và tự ép mình phải xua đi cái suy nghĩ đó.
Nhớ tới mấy lần gọi cho mẹ, cho chị hai, cho chị ba, nghe những câu đại loại chị là nỗi nhục của cả nhà, chị cắn chặt răng vào môi, kiểu như muốn cắm chúng vào cái gờ mềm mềm xinh xinh mà giờ anh đã chán ngán phải chạm vào. Nghĩ tới những lần đem cộc tiền anh cho về quê ăn Tết, mẹ hoan hỉ, chị hai, chị ba vui mừng đón nhận, rồi biểu chị cứ ở trong nhà, ra đường chi cho người ta dị nghị, mệt thân, chị bật cười mà nước mắt lăn ra khô không khốc. Để anh lại với sự thanh thản của anh, chị biết về đâu bây giờ?...
***
Có phải mỗi cái tên đều nói lên một số phận?
Mỗi đêm trằn trọc một mình từ sau cuộc điện thoại anh bảo anh không về, anh bận đi công tác, chị lơ mơ chìm vào cơn ngủ và cứ thế là lại nghe câu hỏi này phát ra từ hướng nào đó mà không kiểu gì chị xác định được. Giọng nói quen mà lại lạ vô cùng. Những đêm đầu, chị bật ngồi dậy, lấy tay lau mồ hôi rịn ướt cả mặt mũi, cả quần áo, chăn mền. Rồi sau thành quen, bởi giờ, chuyện anh đi công tác xa đã thành cơm bữa, chị cứ nằm im đó, lắng nghe tiếng nói giờ vẫn chưa quen thật sự với mình, bỏ luôn ham muốn tìm kiếm nơi nó phát ra. Chị chỉ nằm im và nghe một câu hỏi: Có phải mỗi cái tên đều nói lên một số phận hay không?
Chắc là không! Bởi, sau chuỗi dài những đêm cùng giấc mơ không hình ảnh, chỉ duy nhất âm thanh vọng lại ở một phía vô chừng, chị đã tập được thói quen đến giờ sẽ lên giường, đọc sách và ngủ, không cần đợi anh nữa, cũng không quan tâm anh có gọi điện báo có về hay không… thì anh về!
Anh không mùi bia rượu. Nhưng anh sặc sụa mùi thuốc lá. Hình như, anh đã hút rất nhiều thì phải, dĩ nhiên là trong một thời gian rất ngắn. Nghĩa là, anh đang căng thẳng! Nghĩa là, anh đang có tâm sự! Nghĩa là, anh đang gặp rắc rối! Nghĩa là, anh đang cần một sự chia sẻ!... Chị cứ lòng vòng với những suy đoán của mình, cố tìm lời nào đó dễ nghe nhất, ngọt ngào nhất để có thể khiến anh mở lòng anh ra, trút qua chị một phần gánh nặng anh đang mang. Chưa biết phải làm gì thì chị hoảng hốt khi anh thụp xuống đất, quỳ mọp trước chị. Chị luống cuống cố đỡ anh dậy. Anh tì người lại, không đứng lên, đầu cúi rạp xuống đất.
- Mình cưới nhau, được không? - Anh lí nhí.
Chị khựng lại, hai cánh tay đang đỡ cánh tay anh, cố kéo anh dậy thõng ra. Anh cầu hôn chị sao? Tại sao lại quỳ gối kiểu nhận một hình phạt với cái đầu cúi rạp để cầu hôn chị? Tại sao không ngẩng lên, dõng dạc và yêu thương hỏi chị câu này? Lẽ nào lấy chị giờ là trách nhiệm anh phải gánh và anh buộc phải làm vì đã lấy đi những năm thanh xuân quá dài của chị? Lẽ nào lấy chị giờ là một sự mệt mỏi nhân đôi anh phải đối diện nhưng anh không còn chọn lựa nào khác? Lẽ nào…
- Mình cưới nhau, được không em? - Anh ngẩng lên, nhìn chị, tha thiết.
Chị bật cười cho những suy nghĩ ban nãy của mình, gật đầu lia lịa, nước mắt chảy ròng ròng. Nghi ngờ bằng tất cả bản năng, sự nhạy cảm của đàn bà khiến chị trở thành lố bịch trong lần câu hôn lãng mạn duy nhất suốt tám năm trời chung sống cùng anh! Chị thấy mình đáng trách!
- Em… có yêu anh không? - Anh hỏi, vẫn quỳ.
Chị kéo anh dậy lần nữa, nhưng anh vẫn cố tì xuống. Bất lực, chị ngồi thọp xuống, đối diện anh, cười hiền.
- Không yêu anh, em ở đây chi?
- Em… có thương anh không?
- Khùng! Không thương anh, em ngồi đây chi?
- Em… em có… em có sẵn sàng tha thứ cho một lỗi lầm của anh không?
Chị nghiêng đầu nhìn anh. Đây là lúc anh muốn sống thành thật nhất? Hay đây là cái giá anh ngả với chị để chị tha thứ cho anh mà có thể chính thức trở thành vợ anh? Lỗi lầm ư? Tha thứ ư? Chỉ một?
- Chỉ một…? - Chị hỏi, bỏ giữa chừng.
- Ừ, chỉ một! - Anh lạnh lùng đáp theo kiểu chị đừng có cố mà chất vấn làm gì.
- Anh nói đi!
- Em sẽ tha thứ chứ?
- Em sẽ, nếu anh tự cảm thấy mình thật sự xứng đáng nhận được sự tha thứ!
- Anh thật sự hối lỗi. Và, anh không thể tiếp tục sống dối em!
- Được, anh nói đi! - Chị khẳng khái mà lòng đau như cắt, hình như, chị đã đoán được, đó là gì!
- Em sẽ nuôi con anh chứ? - Anh thản nhiên, như đó là chuyện dễ đối diện như hàng ngày mỗi người tự soi gương.
Chị buông thõng người xuống, hai bờ vai gầy thuôn ủ dột thụp xuống, chới với cùng với dòng xúc cảm lẫn lộn trong chị ngay lúc này.
***
Chị mặc xoa-rê trắng, đầu vướng víu chiếc voan khiến chị bực mình, dộng bình sữa lên bàn đánh rầm, giựt phăng chiếc khăn voan cô dâu xuống. Con bé khóc ngoe ngoe trong tay chị, lòng chị chùng đi, hối lỗi.
- M… m… mẹ… xin lỗi! Mẹ xin lỗi!
Chị rối rít nói, như kiểu con nhỏ hiểu hết những gì chị đang nói. Mà, hình như nó hiểu thiệt! Nó nín khe, giương cặp mắt tròn xoe, đen láy nhìn chị. Cái miệng nhỏ xíu chun chun ra đợi núm bú chị ban cho, không một tiếng khóc nào! Chị bật khóc, ôm chặt con bé vô lòng. Anh lừng khừng nhìn lát rồi rón rén quay lưng bỏ đi, không dám kéo cửa lại, sợ chị biết anh đã đứng đó nhìn từ rất lâu…
Mẹ chị, chị hai chị, chị ba chị bước vô cùng lúc. Mẹ khe khẽ thở dài.
- Đưa đây cho mẹ!
Chị lừng khừng nhìn. Mẹ gắt.
- Mày làm như mẹ ăn thịt cháu mẹ không bằng…
Chị cúi đầu, không dám nói, chuyền con bé qua tay mẹ. Đón con nhỏ, đón luôn bình sữa từ tay chị, mẹ thở dài, giọng ngọt đều mà day vào lòng chị chát chúa.
- Đẻ con gái chi cho khổ vầy nè trời?...
- Mẹ!... - Chị cố nuốt nước mắt hờn tủi.
- Tao nói gì sai hả? - Mẹ chị quắc mắt - Mày đi theo nó, không ai cản nổi mày, đến mức mày tự ý sanh con trước khi cưới cũng chả ỉa vô miệng ai một tiếng. Nói mày một câu là quá, phải không?
- Mẹ!... Con là con mẹ, hay… - Chị dừng lại, cảm giác đau rát của cái tát tai ngày xưa túa về khiến chị lặng thinh.
Chị hai, chị ba nói ra nói vô vài câu để mẹ và chị không căng thẳng trong ngày chị cưới. Tới tận khi chuẩn bị ra đón khách khứa, chị hai mới nhỏ nhẹ hỏi một câu.
- Làm khai sinh cho cháu chưa?
- Dạ chưa, chị!
- Sao vậy?
- Bữa giờ em lu bu quá… Để xong chuyện rồi tụi em đi! - Chị nghẹn ngào.
- Tính đặt tên gì cho nó? - Chị hai đón con bé từ tay chị, nựng nựng cái má phính hồng.
- Em chưa nghĩ, nhưng chắc tìm cái tên nào đó cho đời nó thanh bình một chút…
Bởi, mỗi cái tên đều nói lên một số phận, chị tin là vậy!
***
Chị hư thai lần thứ nhất! Anh ở cạnh chị từ suốt đêm đến sáng, tuyệt không ngủ. Khi tỉnh dậy, chị bật khóc, khóc tức tưởi. Anh không dám tới gần, chỉ đứng từ xa mà nhìn rồi cố giải thích rằng, những cuộc điện thoại ấy, của người ấy, hoàn toàn là hiểu lầm. Anh không phản bội chị. Chị phải tin anh!
Chị hư thai lần thứ hai! Anh cũng ở cạnh chị từ suốt đêm đến sáng, chập chờn ngủ và nói mớ những câu gì đó nghe rất đớn đau. Khi tỉnh dậy, chị nhìn anh cay đắng và bảo anh đi đi. Anh đứng dậy, đi sau một vài lần chị yêu cầu. Ra đến cửa, anh chậm lại, nói vọng vào rằng, những cuộc điện thoại ấy, của người ấy, hoàn toàn là hiểu lầm. Anh không phản bội chị. Chị hãy tin anh!
Lần thứ ba đậu thai, chị như nín thở khi nhìn vào que thử rồi ngồi duỗi chân trong toilet, không muốn đứng dậy. Mãi tới khi con gái anh - nghiễm nhiên ai cũng nghĩ là của cả chị - gõ cửa biểu mẹ ra chụp hình sinh nhật, chị mới chậm rãi bước ra ngoài. Anh nhìn chị, dò xét. Chị không nói và cũng không định nói. Nói làm gì để anh nói lại với những “người ấy” của anh, để có “những cuộc điện thoại hiểu lầm” khiến chị phải vật vã đớn đau rồi sinh bệnh, rồi mất con? Sau hai lần đã qua, chị nghĩ, nếu với anh, một ngày nào đó, chị rồi cũng chỉ là “từ”, thì xin cho chị một chút gì của riêng chị để chị có thể nói lời từ giã anh một cách ngọt ngào, biết ơn! Chị phải giữ đứa nhỏ này! Và, chị sẽ đặt cho nó một cái tên để chắc chắn nó không chịu bất kỳ khổ sở nào - Bình An!
Chị biểu anh dọn qua phòng làm việc ngủ. Anh hỏi lý do nhưng chị không chịu nói. Anh đoán ra, không cố hỏi và cũng không từ chối lời đề nghị của chị. Lúc đem mền gối qua, chị bảo.
- Em muốn đi học!
- Học gì? - Anh vẫn không rời mắt khỏi đống tài liệu.
- Học đại học.
Anh thảy xấp giấy tờ xuống bàn đánh “xập” một cái, nói như gắt.
- Đua đòi theo ai vậy?
- Học là đua đòi hả? Em tưởng se sua chưng diện, phấn son mới là đua đòi chớ!
- Khi làm cái gì quá sức mình, không phù hợp với mình thì đó gọi là đua đòi.
Chị lặng thinh thảy mền gối lên trường kỷ, cười lạt, bỏ ra ngoài.
Anh rể đầu đưa mẹ và người đàn ông lạ đến tìm chị. Chị đón, chỉ không thờ ơ với riêng mẹ, dẫu chị thừa biết, người đàn ông kia là ai. Mẹ biểu anh rể đầu đứng ngoài đợi, chị cũng chẳng buồn mời “lơi” anh rể một tiếng vào nhà, cứ thế, lẳng lặng đưa mẹ và người đàn ông lạ vào trong. Mẹ chẳng có vẻ ấp úng hay ngập ngừng gì. Nhìn ngang nhìn dọc, biết anh không có nhà, mẹ nói luôn.
- Bây cho ba bây mấy chục đi mổ mắt!
- Con đâu có nhiều tiền một lần vậy…
- Đúng là, đẻ con gái mà… Nhà tiền tỷ, xe tiền tỷ, vàng đeo đỏ người, xin chút tiền báo hiếu thì than thì thở… - Mẹ làm liền một tràng.
Chị cay đắng, đứng dậy mở tủ, vét hết tiền còn trong đó, đem ra, nhẹ nhàng để lên bàn.
- Con chỉ có chừng này để dành. Nhà của chồng con, xe của chồng con, tiền mỗi tháng con vẫn phải ngửa tay xin mà, mẹ! Tối ảnh về, con lấy thêm rồi mai đưa mẹ!
Mẹ nhìn xấp tiền, hừ khẽ rồi đứng dậy, đi về. Ra gần tới cửa, mẹ quay lại, nói như ra lệnh.
- Không được để anh chị bây biết, anh chị bây lo!
Chị ngơ ngác nhìn mẹ rồi cũng gật đầu. Ba chục năm hơn rồi mà! Quen với chuyện này quá còn gì! Người đàn ông lạ bước theo mẹ đi khuất, cũng như chị, chẳng chào hỏi gì, chẳng nhìn ngó nhau, chỉ là xuất hiện để làm cái cớ cho mẹ chị nói những điều bà cần phải nói. Tự nhiên, chị thương mẹ đến lạ lùng. Cha đã đến mức vậy mà mẹ vẫn giang tay đón cha về. Ừ, vì tên mẹ là Nhẫn mà!
***
Khuya, con gái anh trở mình lay chị.
- Mẹ, ba nhắn!
- Ba nhắn gì, con? - Chị uể oải hỏi.
- Ba biểu mẹ tới khách sạn đón ba, ba xỉn!
Chị ngồi dậy, ngó qua bàn để đèn ngủ, chiếc đồng hồ điện tử báo mười một giờ đêm. Bình thường giờ này hoặc trễ thêm chút nữa anh sẽ về. Hôm nay chưa về, nhắn biểu đón nghĩa là say thiệt. Chị thở hắt ra, quay qua con gái anh, hỏi.
- Con ở nhà một mình được không?
- Không! Con đi với mẹ!
Chị đậu xe trước khách sạn có tên tiếng Anh dài ngoằn như trong tin nhắn anh nhắn vào máy chị khi nãy, chờ đợi. Con gái anh ngắn dài ngáp, vẻ mệt mỏi của trẻ con không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ mà vẫn háo hức gặp cha khiến chị chạnh lòng.
- Mẹ! Ba kìa! - Con gái anh reo lên, rồi khựng lại.
Thái độ của nó khiến chị không dám quay lại, không muốn quay lại và ước ao gì mình đừng phải quay lại. Rồi, chị vẫn phải quay lại. Phải! Là anh! Là cha của đứa con gái đang run bần bật khi đầu óc non nớt của nó vẫn có thể đoán ra chuyện gì đang diễn ra, và, là cha của cả đứa trẻ trong bụng chị đang cuộn lên một cái đau đớn như cơn quặn trong bao tử chị. Chị không kịp nhìn thấy gương mặt của người đàn bà kia. Chị cũng không kịp nhìn thấy vị trí của cánh tay anh trên cơ thể người đàn bà ấy lúc đưa họ ra khỏi nơi anh đã phản bội chị quá lâu! Thứ duy nhất chị nhìn thấy là cặp mắt trợn to kinh hãi của con gái anh cùng tiếng ré thất thanh của nó.
- Máu! Mẹ ơi, máu!
Chị bảo anh chia tay. Anh khóc! Chị thương anh, thương những giọt nước mắt mà chị không bao giờ muốn gọi tên ấy. Vì thương anh mà chị đi, để anh lại với con đường do chính anh đã chọn và những giọt nước mắt ngày mai sẽ chảy vào lãng quên của anh. Chị phải đi! Dẫu, chị chưa từng nghĩ ra, mình sẽ đi đâu.
Anh đi! Để lại thừa nhiều so chuyện ăn - ở - sinh hoạt của mẹ con chị. Chị cười như điên như dại. Cuộc sống kéo anh đi xa quá! Xa đến độ anh không thể nhớ ra rằng, đây là con gái của anh chứ không phải của chị. Nghĩ rồi, chị tự vả mình bép bép. Nó ở cạnh chị chừng đó năm, kêu chị cả ngàn, cả triệu tiếng mẹ, tin chị như một đức linh thiêng của đời nó, lẽ nào chị lại đành tâm suy nghĩ như vầy?
Con nhỏ bước vô, nước mắt ngắn dài, mếu máo.
- Mẹ! Ông ngoại chết rồi!
Chị sững lại, nhìn nó.
- Ai… ai nói với con?
- Bà ngoại gọi! - Con bé vẫn khóc.
Chị ôm nó vô lòng, thủ thỉ vài câu an ủi rồi hai mẹ con xếp đồ về chịu tang. Chị muốn hỏi con bé tại sao nó khóc mà không dám. Chẳng lẽ đi hỏi, mắc gì ông ngoại chết mà con buồn? Mà không hỏi thì lòng cứ thắc mắc, chẳng ruột rà máu mủ, chẳng biết tới mặt nó, chưa từng gửi một lời hỏi thăm nó, tại sao nó lại đau như vầy?
- Con… có thương ngoại không?
- Dạ có! - Con nhỏ gật.
- Tại… tại sao con thương ngoại?
- Tại vì… - con bé thật thà ngước mắt nhìn chị, dò chừng - …nếu không có ngoại thì không có mẹ. Mà, không có mẹ thì không có con…
Chị nghe toàn thân mình đông cứng đến vài phút sau khi con gái chị trả lời. Chị không biết cảm xúc đó gọi là gì, chị chỉ biết, mọi thứ đông đặc thật sự trong chị.
***
Mẹ không khóc nhiều, nhưng chắc mẹ buồn. Cha đi lâu vậy, về chẳng được mấy thì bỏ mẹ đi luôn, tránh sao khỏi chuyện mẹ đã từng đau giờ đau hơn nữa?! Chị hai, chị ba không khóc. Có lẽ, với hai chị gái của chị, từ “cha” cũng chỉ giống như chị mà thôi. Vậy là, suốt đám tang cha, chỉ có mẹ khóc rất ít và con gái chị khóc nhiều hơn.
Anh về, quỳ từ ngoài cửa và cứ vậy lết vào. Chị nhìn ra, nghe lòng mình trống hoảnh. Mẹ lừ lừ dò ý chị, rồi đem khăn tang ra đeo cho anh. Anh khóc, khóc bù lu bù loa như người nằm đó là cha anh. Chị buồn! Giá mà anh nhận ra được những điều này sớm hơn chút nữa!
Mẹ kêu chị vô buồng, nói nhỏ.
- Nó biết lỗi rồi thì bỏ qua cho nó. Đàn ông mà… như cha bây đó, đi chán cũng về…
- … - chị không biết nói gì cho phải!
- Bây nghĩ đi! Nhà cửa, xe cộ, tiền bạc… toàn là nó cho bây. Bây bỏ nó, lấy gì mà ăn?
- Không có cái ăn thì chết đói thôi, mẹ! - Chị dứt khoát, rõ ràng rất giận - Chứ sống trong đống vàng mà cay mà nhục thì thà chết còn sướng hơn!
Nói rồi, chị bỏ đi thẳng ra ngoài. Mẹ nổi nóng, hét theo bằng giọng uy quyền muôn thuở của mẹ: Từ! Chị vẫn đi!
Anh vẫn quỳ mọp trước bàn thờ cha. Thấy chị đi ra, anh lết hai đầu gối tới chỗ chị, níu níu tay chị. Chị nhìn xuống, cười nụ cười cố giấu sự khinh bỉ. Chị đi. Anh gọi theo chị bằng cả sự nhục nhã của một thằng đàn ông quỳ trước cả họ hàng nhà vợ: Từ! Chị vẫn đi!
Chị dừng lại trước con gái anh. Con bé đã đeo sẵn balô đợi chị. Chị mím môi rồi thản nhiên bước tới, nắm tay con gái, bước hẳn ra khỏi tang lễ của một người mà lý ra chị phải gọi bằng cha!...
Có phải, mỗi cái tên đều nói lên một số phận?
Con bé bước đều đều theo chị ra ngoài đường lộ để đón xe. Nó bất thình lình siết chặt tay chị, hỏi.
- Mẹ, sao mẹ đặt tên con là An Nhiên?...