
Vùng đất U Minh là chốn rừng thiêng nước độc, dễ vào khó ra. Bao quanh đó là những câu chuyện kỳ bí. Như mạn Tây có chuyện về rắn hổ mây, mạn Đông chẳng kém cạnh lại có truyền kỳ về con dinh chúa với cái sừng hút nọc. Lại về mạn Bắc là nơi sinh sống của loài lươn khổng lồ, chuyên ăn thịt chuột rừng mà sống. Nói về mạn Nam, là nơi sản sinh ra trăm ngàn điều diệu kỳ về giai thoại kỳ nam.
Thế nhưng, vùng Hạ thì nhiều chuyện kỳ lạ, nhưng vùng Thượng thì lại ít chuyện huyễn hoặc xảy ra. Vì vậy mà con người kéo đến đây sống, tuy ít nhưng cũng đủ lập một làng, nương tựa vào nhau giữa chốn hoang sơ này.
Có người thì nhất định có niềm tin vào tôn giáo, chẳng bao lâu sau khi làng được dựng lên, ngay đỉnh của mô đất cao phía ngoài làng đã xuất hiện cái tự nhỏ, chỉ có khất sĩ Nam Sơn tu hành. Vốn ẩn thân tu hành nên người ta hay gọi ông là Dật sĩ, cái tự cũng được gọi là Khất Tự.
Khất Tự vốn nhỏ, chỉ có đền thờ đạo Giáo bên trong. Mang tiếng là tự, nhưng lại không thờ Phật. Cái duy nhất làm người ta liên tưởng đến Phật giáo chỉ là cái chuông đồng được treo trên miệng giếng. Cứ mỗi canh, chuông lại đánh "bong" một lần. Dân làng lấy tiếng chuông mà xem giờ giấc, chẳng thể nào sai được. Nhẩm đủ hai mươi tư canh, dân làng lại đóng cửa tắt đèn. Giờ Tý là giờ ma quỷ ẩn hiện, lành ít dữ nhiều. Lúc này tuyệt không có tiếng động nào trong làng.
Cứ thế, cái chuông đã giúp dân làng báo hiệu giờ giấc suốt hơn mười năm, kể cả giông bão, nước lụt cuốn xiết mang theo bao mạng người. Như để trả ơn, mỗi ngày, dân làng đều để chút đồ ăn lên tự, xem như giúp Dật sĩ Nam Sơn đắc đạo tu hành.
Tháng chín năm ấy, con nước về xối xả, ngập cả thôn làng. Người dân dùng bẹ chuối mà làm thuyền, bơi giữa khoảng làng nay chỉ còn nhấp nhô vài mái tranh. Xung quanh đây đó, xác thú rừng nổi lềnh bềnh, hôi thối. Vài cái xác vướng phải ngọn cây mà làm mồi cho chim chóc, số khác lại bâu kín kiến đỏ làm tổ, cảnh tượng gai người. May mà số vật nuôi được mang từ dưới xuôi lên đã được đem tạm đến Khất Tự mà nương náu nên chẳng thiệt gì. Cái hại tuy lớn nhưng vẫn chưa mất người, miếng ăn vẫn còn, xem như là phúc.
Có lẽ vì phải chăm gia súc giúp dân mà Dật sĩ Nam Sơn không còn đánh chuông đồng như thường lệ. Phần khác, vì dân làng còn phải lo cứu vật dụng, đưa người lên bè mà sống tạm chờ nước rút nên chẳng ai đến Tự mà giúp Dật sĩ. Họ cứ chờ, mong đến ngày con nước rút đi, cuộc sống lại trở về như vốn có.
Bỗng một ngày, tiết trời còn âm u, mây đen vẫn chưa dứt. Nước trời từ trên cao xối xuống mờ cả mặt người thì tiếng chuông đồng vang lên.
"Bong"
Rồi lại "bong"...
Cứ vậy, đủ sáu khắc thì dừng. Người ta nghe tiếng gà gáy, lại biết là lục canh, chồm dậy mà sửa soạn cho ngày mới khi lụt vẫn còn. Lại nghe tiếng chuông, lại nghĩ đến Dật sĩ Nam Sơn, họ hẹn nhau lên Khất Tự mà gặp, đặng để cảm ơn ông đã giúp mấy ngày qua.
Thường thì muốn lên Khất Tự phải đi bằng bậc thang, xếp chồng lớp lên nhau. May nhờ con nước, dùng bè chuối đã đến gần đỉnh. Họ tấp bè vào bờ, cột lại bằng những sợi rễ rừng rồi vào Tự, chỉ còn phải đi khoảng sáu mươi bộ bậc thang.
Mặt đất phía trên, tuy ẩm ướt nhưng chóng khô, đây đó có cơn gió kéo qua, tạt ít bụi vào mắt cay xè. Họ dụi mắt mà tiếp tục đi, nhưng gió không chỉ mang bụi cát. Trong nó, có mùi gì đó hôi thối bốc ra, tanh nồng. Cứ đi vậy, chẳng bao lâu sau thì đến cổng Tự. Họ dừng lại, chợt thấy ớn lạnh sống lưng.
Vì cái Tự, vốn ngày trước chen kịt gia súc, nay trống trơn, hoang tàn đến lạ. Ngẫm nghĩ một lúc, lại cho rằng Dật sĩ Nam Sơn không nỡ để súc sinh ở ngoài chịu nạn trời mà đem vào trong, họ tặc lưỡi mà vào trong Tự.
Vừa dợm bước vào trong, mùi xú khí đã tràn ngập. Lại hẳn vào trong, bàn thờ Đạo gia đã bị đổ, nhang đèn thấm ướt mà chảy ra, đen nhám một khoảng rộng. Dưới nền, thứ gì đó nhớp nháp loang lổ, vừa nhợn chân lại vừa trơn trượt. Duy cái lạ kia là vẫn như vậy, chẳng có ai, chẳng có vật gì bên trong.
Họ tìm xung quanh, lại chẳng thấy gì. Không rõ Dật sĩ Nam Sơn đã đi đâu, nhưng họ không bao giờ nghĩ ông đã bỏ đi, mang theo của cải của họ. Cái sự tin ấy, nó đã ăn sâu trong tâm thức họ từ lâu. Lại nghĩ, có lẽ Dật sĩ Nam Sơn vì trời mưa bão bùng, Tự nhỏ khó giữ nên đã dẫn bầy gia súc đi đâu đó lánh nạn, họ bèn bảo nhau dọn dẹp giúp Khất Tự.
Người bện chổi bằng cành cây, kẻ lại dùng áo mà chùi, lại mang cả hoa giã nát mà làm nước thơm, chẳng mấy chốc Khất Tự lại sạch sẽ như mới. Cả bàn thờ Đạo gia cũng được nâng lại, dựng trang nghiêm chỉnh chấn. Nhưng dù có làm cách nào, mùi xú uế vẫn không tẩy được khiến họ phiền lòng lắm.
Chờ mãi không thấy Dật sĩ Nam Sơn về, trời cũng đã nhá nhem, họ lại bảo nhau ra về. Cái bè chuối vẫn ở nơi cũ, tháo rễ rừng lại chèo đi. Nhưng lạ thay, cố đẩy mãi nó vẫn không di chuyển. Dùng sức hồi lâu, cái bè bật ra, trôi nhanh giữa dòng nước, cảm giác như vừa dứt ra cái gì đó cản lối.
Thấy lạ, họ liền nói anh Hoàng, là người giỏi lặn xuống đáy bè mà xem. Anh làm theo chẳng chút thắc mắc. Chỉ nghe "ùm" một tiếng, anh đã lặn sâu xuống dưới dòng. Mãi một lúc chẳng thấy anh lên, họ định bảo nhau cùng xuống xem thì phía hữu, một đống bọt khí nổi lên, càng lúc càng dày. Đến khi mớ bọt ấy sủi cả lên như nước sôi thì đầu anh Hoàng ló đến. Anh chới với, hoảng hốt mà kêu cứu. Mọi người vội đưa mái chèo cho anh mà kéo lên. Lôi được anh lên, một tay vẫn còn nằm dưới nước, anh vừa thở vừa nói trong đứt quãng.
"Đi... Đi nhanh...lên!"
Chưa ai kịp hỏi gì, anh Hoàng đưa cái tay đang thõng dưới mặt nước mà dụi trán, bất ngờ hét to rồi ném mạnh vật trong tay ra xa. Vô tình trúng phải một người đang đứng gần đó, vật kia rớt hẳn trên bè.
Mọi người tái mét, vài người thì không chịu nổi, nôn thốc tháo cả ra.
Cánh tay người của ai đó, trắng bệch rõ là ngâm nước đã lâu, trương phình lên mà to kinh lạ. Cánh tay chỉ còn đến bả vai, da bong tróc như vảy cá thối rữa, phía dưới nham nhở thịt.
Từ trong cánh tay ấy, bỗng xuất hiện hàng trăm lỗ bé li ti. Từng đàn, từng đàn dòi trắng hếu, nhỏ như đầu tăm ào ào chui ra như nước lũ, nhảy thẳng vào mặt người, sực mùi tử khí!
[... còn tiếp]